vĐồng tin tức tài chính 365

Nút thắt ở Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn

2022-02-26 11:45

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất từ trung tuần tháng 1 vì thiếu tiền nhập nguyên liệu. Theo Bộ Công Thương, đây chính là khởi nguồn cho sự khan hiếm nguồn cung xăng dầu trong nước vừa qua. Năm 2021, nhà máy này sản xuất 6,7 triệu m3, tấn xăng dầu các loại, chiếm 34% thị phần cung ứng nội địa.

Dự án trong khu kinh tế mở Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá) này được phê duyệt tháng 4/2008 với công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn mỗi năm. Mức này gần gấp đôi công suất của Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).

Với tổng mức đầu tư 9 tỷ USD, vốn điều lệ của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn là hơn 2,4 tỷ USD, phần còn lại là vay ngân hàng và các bên góp vốn. Trong số bốn nhà đầu tư góp vốn, đại diện cho vốn của Việt Nam có Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) với 25,1%. Còn lại là của các đối tác nước ngoài như Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI của Kuwait, Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui của Nhật.

Lọc dầu Nghi Sơn, nhà máy lọc dầu 9 tỷ USD, được hưởng loạt ưu đãi về thuế, bao tiêu sản phẩm. Khi đi vào hoạt động, nhà máy này được giảm một nửa thuế thu nhập doanh nghiệp, tức chỉ phải đóng 10% trong 70 năm; miễn thuế 4 năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

Toàn bộ sản phẩm của Lọc dầu Nghi Sơn sẽ được PVN bao tiêu trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương giá nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-5-7% (tức cộng thêm 3% với các sản phẩm hoá dầu, 5% với LNG và 7% với các sản phẩm xăng dầu).

Mặt khác, trong 10 năm (đến 2028), nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho Lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hoá, tháng 1/2021. Ảnh: Lê Hoàng

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hoá, tháng 1/2021. Ảnh: Lê Hoàng

Khi nhà máy này chuẩn bị vận hành, khá nhiều tính toán về sự thua thiệt cho ngân sách từng được đưa ra với những cam kết về ưu đãi dành cho nhà máy lọc dầu này.

Trong báo cáo gửi các bộ, ngành, Chính phủ trước đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từng lo lắng khi phải bù lỗ hàng tỷ USD khi nhà máy vận hành thương mại. Con số bù lỗ khoảng 1,5-2 tỷ USD trong 10 năm (ứng với kịch bản giá dầu 45 USD và 70 USD một thùng), tương đương 3.500-4.500 tỷ đồng một năm bởi trách nhiệm bao tiêu sản phẩm. Tức là khi giá dầu trên thị trường thế giới càng tăng, khoản bù lỗ của PVN cho nhà máy này càng lớn.

Chưa kể, khoản thanh toán chênh lệch thuế nhập khẩu với các sản phẩm xăng dầu của Nghi Sơn mà PVN phải trả, cũng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng do các loại thuế nhập khẩu xăng, dầu giảm nhanh về 0% theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam cam kết, vào đúng thời điểm nhà máy này bắt đầu vận hành thương mại (cuối năm 2018). Như theo Hiệp định hàng hoá ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu với dầu diesel và dầu madut giảm về 0% từ năm 2016; thuế với xăng giảm xuống 5% từ năm 2023 và về 0% từ năm 2024. Hay theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu dầu diesel đã về 0% từ năm 2018, còn thuế nhập dầu madut là 0% từ năm 2016.

Chia sẻ với VnExpress, một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu phân tích, thời điểm đàm phán dự án này, Việt Nam ở thế cần phải tìm nguồn cung dầu thô thay thế dần, cần tìm thêm nguồn cung xăng dầu để đảm bảo an ninh năng lượng, tránh phụ thuộc 100% vào nhập khẩu như thời kỳ những năm 2000. Cùng đó, nguồn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ, mỏ dầu lớn nhất cả nước, ngày càng cạn kiệt.

3 năm sau vận hành thương mại, tình hình sản xuất kinh doanh của nhà máy lọc dầu 9 tỷ USD lại không mấy khả quan. Bộ Công Thương cho biết, nhà máy này lỗ luỹ kế 3,3 tỷ USD từ năm 2018 đến nay (khoảng hơn 76.000 tỷ đồng, với tỷ giá 23.178 đồng một USD) và khoản nợ nguyên liệu cũng lên tới 2,8 tỷ USD (gần 65.000 tỷ đồng). Với các khoản lỗ luỹ kế, và nợ nguyên liệu lớn như vậy, việc để nhà máy này hoạt động bình thường không dễ.

Khó khăn tài chính cũng là nguyên nhân được nhà máy này nêu ra, khiến họ phải giảm công suất xuống 80% từ cuối tháng 1 năm nay, do không còn tiền nhập nguyên liệu dầu thô về sản xuất.

Nhưng phía PVN, đơn vị đại diện Việt Nam góp 25,1% vào liên doanh này, cho rằng khó khăn về tài chính của Lọc dầu Nghi Sơn còn xuất phát từ công tác quản trị do phía nước ngoài điều hành còn nhiều bất cập. Trong khi đó, với vốn sở hữu 25,1% tại Lọc dầu Nghi Sơn, PVN không có quyền quyết định các vấn đề liên quan tới hoạt động, điều hành quản trị nhà máy này.

Với vai trò nước chủ nhà, PVN đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo cam kết và đã liên tục có nhiều văn bản, ý kiến đóng góp nhằm thúc đẩy tiến độ dự án, cải thiện công tác quản lý quản trị nhằm tăng hiệu quả hoạt động của nhà máy.

Một số nghĩa vụ tài chính ngắn hạn đã được tập đoàn này thanh toán cho phía Lọc dầu Nghi Sơn để nhà máy này tiếp tục vận hành bình thường. Song, phía PVN cho biết, họ vẫn đang nỗ lực đàm phán và thống nhất phương án tái cấu trúc tổng thể nhằm duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả với các bên góp vốn nước ngoài.

Dù vậy, theo các chuyên gia cũng phải xem lại trách nhiệm của doanh nghiệp này trong cung ứng xăng dầu cho thị trường. Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng, cần rút kinh nghiệm trong đàm phán các dự án đầu tư nước ngoài liên quan tới xăng dầu, khi đây là mặt hàng nhạy cảm, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia.

Về phía Lọc dầu Nghi Sơn, ông Long nói, doanh nghiệp này cũng chưa làm tròn trách nhiệm trong đảm bảo cung ứng và nghĩa vụ cấp hàng theo hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên thị trường.

"Khi thị trường có biến động mạnh về nguồn cung, giá cả thì nhà máy này lại kêu khó khăn về tài chính và giảm công suất, dừng hoạt động là điều không thể chấp nhận được", ông nêu.

Chia sẻ với VnExpress, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng nói, tới lúc cũng cần xem lại trách nhiệm của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong đảm bảo cung ứng xăng dầu, an ninh năng lượng khi Chính phủ, Bộ Công Thương đã tạo điều kiện hết mức, đưa ra nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đầu mối đã cấp tập đàm phán, tăng nhập khẩu từ các nguồn để bù đắp lượng thiếu hụt từ Nghi Sơn. Với giá thành phẩm xăng dầu đang ở ngưỡng rất cao, việc nhập lúc này cũng khiến họ chịu nhiều rủi ro, chưa kể với các đầu mối kinh doanh nhỏ, quá trình nhập khẩu cũng không dễ dàng.

Hiện, những khó khăn tài chính của Nghi Sơn đã tạm thời được giải toả, khi nhà máy này được cấp tài chính ngắn hạn để duy trì sản xuất tới hết tháng 5. Trong lúc này, theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhà máy vẫn hoạt động ở ngưỡng công suất 55-60% do cần chờ nguồn nguyên liệu dầu thô cập bến vào cuối tháng 2 này, mới có thể bắt đầu tăng công suất trở lại. Theo kế hoạch, Lọc dầu Nghi Sơn sẽ đạt công suất 80% vào giữa tháng 3 và chỉ có thể đạt 100% công suất từ dầu tháng 4 tới.

Bộ Công Thương cũng cho biết, việc giao hàng của Lọc dầu Nghi Sơn bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc giảm công suất lần này, khi tháng 2 chỉ giao được 43% kế hoạch. Dự kiến tháng 3, nhà máy này cung cấp khoảng 80% so với kế hoạch theo tháng, là 540.000 m3. Nhưng đáng nói, đến nay Nghi Sơn vẫn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, nhất là sau tháng 5 chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất.

Nếu Lọc dầu Nghi Sơn vẫn hoạt động chưa ổn định sau tháng 5, để đảm bảo nguồn cung, Bộ Công Thương đã yêu cầu 10 doanh nghiệp đầu mối tăng nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng, dầu trong quý II. Ngoài ra, nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã tăng công suất lên 105%.

Kỳ Duyên

Xem thêm: lmth.6561344-nos-ihgn-uad-col-yam-ahn-o-taht-tun/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nút thắt ở Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools