Kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi sau một loạt cú sốc về nguồn cung trong hai năm qua, do tình trạng thiếu ngũ cốc, thịt và nhiều loại hàng hóa khác. Giờ đây, xung đột quân sự ở Ukraine, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và đòn trả đũa kinh tế của Nga đã khiến giá dầu lên 100 USD mỗi thùng và giá khí đốt tự nhiên cũng tăng theo.
Nga cũng là một nhà cung cấp lớn trên thị trường toàn cầu với đồng, nhôm và paladi. Sự gián đoạn trong quá trình sản xuất hoặc phân phối các sản phẩm đó có thể phá vỡ chuỗi cung ứng cho cho các bộ chuyển đổi xúc tác trong ôtô, tụ điện trong điện thoại di động và thậm chí là mão răng (bọc răng) dùng trong nha khoa.
Norilsk Nickel của Nga là nhà sản xuất paladi lớn nhất thế giới, với hơn 40% tổng sản lượng toàn cầu. Nga cũng là nước sản xuất urê và kali - các thành phần của phân bón. "Chúng ta thậm chí vẫn chưa hoàn toàn hấp thụ và thoát khỏi cú sốc nguồn cung từ đại dịch", Joe Brusuelas - kinh tế trưởng tại công ty tư vấn RSM US cho biết.
Các cú sốc về nguồn cung đã trở thành mối quan tâm chính, gây gián đoạn khi thế giới phục hồi sau những tác động của Covid-19.
Bất kỳ giao dịch hàng hóa nào cũng có hai mặt. Người mua cần hàng hóa hoặc dịch vụ, và người bán cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ đó. Một cú sốc về nguồn cung xảy ra khi việc cung cấp đột ngột bị cắt khỏi thị trường. Khi nguồn cung giảm, giá của những hàng hóa hoặc dịch vụ vì thế có xu hướng tăng lên.
Năng suất của người lao động có thể bị ảnh hưởng khi cú sốc này hạn chế khả năng cung cấp sản phẩm mà người tiêu dùng yêu cầu. Hơn nữa, các hộ gia đình mất sức mua, có thể kéo giảm chi tiêu trong các lĩnh vực khác.
Dù vậy, không phải tất cả các cú sốc về nguồn cung đều xấu. Các kỹ thuật khai thác tiên tiến của Mỹ từng tạo ra một cú sốc về nguồn cung tích cực, khi sản lượng dầu và khí đốt tự nhiên trong nước nhiều hơn, khiến giá cả giảm xuống. Tuy nhiên, nền kinh tế hiện tại đi theo hướng khác. Các nhà kinh tế nói rằng hy vọng tốt nhất là những cú sốc này chỉ là tạm thời.
Các cú sốc cung cấp năng lượng là nguyên nhân chính của lạm phát trong những năm 1970, khi các quốc gia OPEC cắt nguồn cung dầu cho phương Tây. Các thị trường năng lượng đã thay đổi kể từ đó, và sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu nhập khẩu giảm dần, làm cho mối đe dọa đối với kinh tế Mỹ từ chiến sự ở Ukraine nhỏ hơn so với thập niên 70.
Tuy nhiên, thị trường năng lượng có quy mô toàn cầu. Các làn sóng giá bắt đầu từ những nơi khác sẽ lan ra khắp thế giới. Bản thân Mỹ cũng đang gặp khó về lạm phát. "Chúng ta chưa có mức lạm phát lớn và trên diện rộng như vậy trong nhiều thập kỷ qua", Bruce Kasman - kinh tế trưởng toàn cầu của JP Morgan nhận định.
Ngân hàng này ước tính lạm phát sẽ bắt đầu giảm vào khoảng giữa năm, nhưng Kasman cho biết một cú sốc kéo dài có thể đẩy lạm phát lên cao hơn. Nếu điều đó xảy ra, "Fed sẽ có một số lựa chọn rất khó khăn", ông nói.
Khi nguồn cung bị hạn chế trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi, lạm phát đang tăng lên. Xung đột của Nga với Ukraine khiến công việc của Fed trở nên khó khăn hơn, vì nó có thể đẩy nguồn cung đi sai hướng.
Theo ngân hàng đầu tư Cowen, Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu và khoảng 2,5 triệu thùng mỗi ngày đối với các sản phẩm dầu mỏ, chiếm khoảng 10% thương mại toàn cầu. Khoảng 60% sản lượng dầu đi đến Châu Âu và 30% đến Trung Quốc.
JP Morgan ước tính rằng nếu 2,3 triệu thùng biến mất khỏi thị trường mỗi ngày, giá tiêu dùng toàn cầu tăng sẽ tăng 7% giữa năm nay. Tuy nhiên, Kasman cho rằng nguồn cung tăng từ Iran có thể bù đắp một phần rủi ro đó.
RSM ước tính rằng ngay cả một cú sốc nhỏ hơn, đẩy giá dầu lên 110 đôla mỗi thùng cũng sẽ khiến lạm phát hàng năm của Mỹ lên hơn 10%. Diễn biến giá dầu cũng sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế ở những nơi khác do các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu, dù không đến mức tạo ra suy thoái.
Ngoài ra, Nga cũng xuất khẩu khoảng 650 triệu m3 khối khí đốt mỗi ngày, chiếm 25% toàn cầu. 85% lượng khí đốt đó được chuyển đến châu Âu. Một số đường ống vận chuyển này chạy qua Ukraine. Theo Cowen, hệ thống này đang hoạt động ở mức khoảng 50% công suất. Giá trong các hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên trên CBOE đã tăng hơn 60% so với một năm trước đó.
Gần 30 năm qua, các công ty có xu hướng không bắt người tiêu dùng phải chịu khi chi phí năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, trong một thế giới ngày càng thiếu cung và lạm phát cao, phép tính của họ giờ đây có thể thay đổi.
Phiên An (theo WSJ)