Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế làm rung chuyển cả châu Âu và châu Á. Bởi không chỉ nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới là Nga bị cô lập mà còn tàn phá một trong những nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới là Ukraine.
Nền kinh tế Ukraine là một nền kinh tế thị trường tự do mới nổi. Nền kinh tế ở Đông Âu này đã phát triển nhanh chóng từ năm 2000 cho đến năm 2008 khi cuộc đại suy thoái bắt đầu bùng phát trên thế giới và đến Ukraine là cuộc khủng hoảng tài chính Ukraine 2008 - 2009. Đến năm 2010, nền kinh tế này đã phục hồi và tiếp tục cải thiện cho đến năm 2013.
Ukraine đứng thứ 3 về sản xuất khí đốt và là thị trường khí đốt lớn thứ 4 ở châu Âu (với hệ thống đường ống dẫn khí đốt lớn thứ 4 thế giới, cung cấp 142,5 tỷ m3 cho châu Âu) (Ảnh: AFP).
Từ năm 2014 - 2015, kinh tế Ukraine rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Đến năm 2016, nền kinh tế nước này lại bắt đầu tăng trưởng và đến năm 2018 đạt gần 80% quy mô như thời điểm 2008.
Thu hút gần 50 tỷ USD đầu tư nước ngoài
Cũng giống như Tổng thống Nga Putin, giới đầu nước ngoài rõ ràng cũng đã nhìn thấy cơ hội ở Ukraine. Đó là lý do tại sao ngay cả vào năm 2020 vẫn có gần 50 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này.
Trong 3 thập kỷ qua, hàng trăm công ty nước ngoài đã mở cửa hàng trên khắp Ukraine (chủ yếu là các khu vực phía Tây, giáp EU). Trong đó, các nhà đầu tư lớn nhất là các công ty sản xuất ô tô của Đức. Ukraine là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng linh kiện xe hơi của EU. Ở Kiev và Lviv có hơn 100.000 người đang làm việc trong lĩnh vực gia công cho các công ty công nghệ lớn trên thế giới như Facebook.
Trong tuyên bố về khí hậu đầu tư năm 2021, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Ukraine cung cấp một thị trường tiêu dùng rộng lớn, một lực lượng lao động có trình độ học vấn cao và chi phí cạnh tranh, cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào".
Tiềm năng dồi dào của đất nước là một lý do tại sao Ukraine trở thành điểm đến hàng đầu của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Riêng trong năm 2021, ngân hàng này đã "rót" 554 triệu euro (620,1 triệu USD) vào các cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp đất nước Ukraine. Quốc gia Đông Âu này cũng là nước nhận đầu tư hàng đầu của EIB vào khu vực lân cận phía đông, chiếm hơn 60% lượng cho vay của ngân hàng trong khu vực.
Giá trị của nền kinh tế Ukraine cũng như mức độ cấp bách của cuộc khủng hoảng đang diễn ra đã phản ánh qua phản ứng của thị trường chứng khoán toàn cầu trong ngày 24/2 khi chiến sự bắt đầu nổ ra. Phố Wall lao dốc với chỉ số Dow Jones có lúc giảm hơn 800 điểm, còn giá dầu vọt lên mức cao nhất trong 7 năm, gần 105 USD/thùng.
Tại sao vậy? Những liệt kê xếp hạng toàn cầu về nguồn tài nguyên và xuất khẩu chính của Ukraine dưới đây phần nào cho thấy sự quan trọng của nền kinh tế này đối với kinh tế toàn cầu.
Ukraine là đất nước giàu có về tài nguyên thiên nhiên
Đứng đầu ở châu Âu về trữ lượng quặng uranium.
Đứng thứ 2 ở châu Âu và thứ 10 thế giới về trữ lượng quặng titan.
Đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng quặng mangan, với trữ lượng thăm dò 2,3 tỷ tấn, chiếm 12% trữ lượng thế giới.
Đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng quặng sắt (khoảng 30 tỷ tấn).
Đứng thứ 2 châu Âu về trữ lượng thủy ngân.
Đứng thứ 3 châu Âu và thứ 13 trên thế giới về trữ lượng đá phiến (22.000 tỷ m3).
Đứng thứ 8 thế giới về trữ lượng than (33,9 tỷ tấn).
"Rổ bánh mì của châu Âu"
Ukraine từ lâu được coi là "rổ bánh mì của châu Âu". Nước này đứng đầu châu Âu về diện tích đất canh tác.
Đứng đầu thế giới về xuất khẩu hoa hướng dương và dầu hướng dương.
Đứng thứ 3 thế giới về đất đen (tiếng Nga là chernozem, đất có tỷ lệ mùn cao, rất màu mỡ), chiếm 25% thế giới.
Là nhà sản xuất khoai tây lớn thứ 3 thế giới.
Đứng thứ 4 thế giới về sản xuất lúa mạch và xuất khẩu lúa mạch.
Là nhà sản xuất lúa mạch đen lớn thứ 4 thế giới.
Là nhà xuất khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới
Đứng thứ 5 về sản lượng mật ong (75.000 tấn).
Đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu lúa mì.
Về công nghiệp
Ukraine đứng thứ 2 châu Âu và thứ 7 thế giới về công suất lắp đặt các nhà máy điện hạt nhân.
Đứng thứ 3 về sản xuất khí đốt và là thị trường khí đốt lớn thứ 4 ở châu Âu (với hệ thống đường ống dẫn khí đốt lớn thứ 4 thế giới, cung cấp 142,5 tỷ m3 cho châu Âu).
Nhà xuất khẩu sắt lớn thứ 3 thế giới.
Đứng thứ 4 châu Âu và thứ 13 thế giới về chiều dài mạng lưới đường sắt (21.700 km).
Đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu titan.
Đứng thứ 9 thế giới về xuất khẩu quặng, xỉ.
Là nhà sản xuất thép lớn thứ 12 thế giới
Một trong những nhà sản xuất bệ phóng tên lửa lớn nhất thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.61175020262202202-ig-oc-eniarku-et-hnik-nen/et-hnik/nv.vtv