Tuần trước, một công ty ở Trịnh Châu đã gây ra nhiều tranh cãi về văn hóa làm thêm giờ trên mạng xã hội ở Trung Quốc. Nguyên nhân xuất phát từ tấm bảng vinh danh "nhân viên kiểu mẫu" của công ty này.
Nhân viên được vinh danh tên là Xue Lintao, đạt "thành tích" làm việc 12 giờ/ngày, 30 ngày/tháng. Theo công ty, sự chăm chỉ của Xue đã ảnh hưởng tích cực đến cả nhân viên mới và cũ, giúp cải thiện sản xuất hàng ngày đồng thời tiết kiệm tiền cho công ty. Năm ngoái, anh cũng nhận được giải thưởng tương tự.
Tuy nhiên, sau khi hình ảnh về tấm bảng vinh danh Xue được lan truyền trên mạng xã hội, đã có nhiều luồng ý kiến phản đối của cư dân mạng Trung Quốc. Phần lớn gọi anh là "kẻ phản bội sức lao động" và cho rằng việc anh được vinh danh như một "tấm gương" để noi theo có thể dẫn tới nhiều cái chết vì làm thêm giờ hơn.
Trong những năm gần đây, văn hóa làm việc 996 (từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần) đã bị chỉ trích dữ dội ở đất nước tỷ dân. Nó thậm chí còn bị coi là thủ phạm dẫn đến nhiều vụ đột tử của người trẻ vì làm việc quá sức.
1 ngày sau khi hình ảnh tấm bảng vinh danh trở nên viral trên mạng, Xue đã lên tiếng để làm rõ mọi chuyện. Anh cho biết không ai bắt mình phải làm việc 12 tiếng/ngày. Anh làm như vậy là hoàn toàn tự nguyện vì lương của anh được tính dựa trên số giờ làm việc.
Xue có vợ và các con ở quê nên để có tiền gửi về cho gia đình, anh chọn cách làm việc nhiều giờ hơn. Anh cho biết thêm rằng công việc của anh là vận hành máy móc, đảm bảo máy hoạt động khi sản xuất. Vì vậy, không phải lúc nào anh cũng có mặt ở nơi làm việc và nó cũng không quá căng thẳng.
Người đàn ông cho biết cấp trên của anh vẫn cho phép anh nghỉ nếu muốn. Trên thực tế, anh có 1 tuần nghỉ phép có lương mỗi quý. Xue bác bỏ những cáo buộc rằng công ty đang bóc lột sức lao động của mình.
Mặc dù vậy, lời giải thích của Xue vẫn không xoa dịu được cư dân mạng. Họ cho rằng dù tự nguyện, anh vẫn là một phần của vấn nạn làm việc quá sức nổi tiếng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, vẫn có người đứng về phía Xue. Một giáo sư đại học cho rằng Xue là tấm gương về sự cống hiến và làm việc chăm chỉ, rất đáng được ngưỡng mộ. Theo vị giáo sư, công ty của Xue chỉ nên bị chỉ trích khi ép nhân viên làm thêm giờ. Còn nếu đó là lựa chọn của người lao động, người này nên được tôn vinh và khen thưởng.
Tại Trung Quốc, làm thêm giờ dẫn tới quá sức, thậm chí đột tử đang là chủ đề rất được dư luận quan tâm. Ngày 21/2 vừa qua, một nhân viên ở độ tuổi cuối 20 của ByteDance – công ty mẹ của TikTok, đã đột ngột qua đời. Theo hai bản ghi chép nội bộ, nhân viên xấu số này đã gục xuống sau khi luyện tập tại phòng gym của công ty.
Người này qua đời lúc gần 2 giờ chiều ngày 23/2, 41 giờ sau khi nhập viện cấp cứu. ByteDance – kỳ lân công nghệ có giá trị nhất tại Trung Quốc, sau đó đã xác nhận thông tin trên nhưng không cung cấp thêm bất cứ chi tiết nào.
Việc nguyên nhân cái chết của nhân viên trẻ tuổi này không được tiết lộ một lần nữa làm dấy lên lo ngại về những áp lực khủng khiếp mà nhân viên công nghệ phải đối mặt ở Trung Quốc.
Vụ việc đã nhanh chóng làm nổ ra các cuộc thảo luận trên nhiều mạng xã hội ở Trung Quốc về áp lực làm việc tại Big Tech. Gần đây, một số công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc đã công bố các biện pháp cắt giảm thời gian làm thêm giờ cho nhân viên. Năm ngoái, ByteDance và đối thủ Kuaishou cho biết họ đã kết thúc chế độ yêu cầu nhân viên làm việc 6 ngày/tuần cứ mỗi 2 tuần.
Nguồn: OC
http://tintuc.vdong.vn/02/1247448.htmMộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị