Doanh nghiệp lo khó tiếp cận vốn
Tại Hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất kinh doanh” do NHNN tổ chức chiều nay, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn khó tiếp cận vốn.
Theo đại diện Hiệp hội lương thực Việt Nam, vốn tín dụng là vấn đề được cộng động thương nhân xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL quan tâm nhất hiện nay. Hầu như tất cả thương nhân đều gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, nhất là vốn lưu động. Hạn mức tín dụng thấp làm ảnh hưởng đến tiến độ thu mua của các thương nhân, nhất là thời điểm chính vụ.
Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh có uy tín thì việc vay vốn không có gì vướng mắc, tuy nhiên hiện nay lãi suất cho vay quá cao. Còn doanh nghiệp vừa và nhỏ lại khó khăn về nguồn vốn.
“Thực tế đang diễn ra là là nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khi vay vốn ngân hàng thì không đủ chuẩn, thiếu minh bạch tài chính, phương án kinh doanh không khả thi. Đây là những hạn chế của DNNVV mà họ không thể sửa ngay. Do đó, để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn thì các ngân hàng có thể linh hoạt cho DNNVV vay những gói tín dụng nhỏ, tăng cho vay tín chấp thông qua phương án kinh doanh. Ngoài ra, cần có chỉ đạo từ phía NHNN Việt Nam về việc nâng cao tỷ lệ vay tín chấp dựa vào dòng tiền ra, vào và phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV", đại diện Hiệp hội đề xuất.
Cũng theo Hiệp hội này, ngân hàng nên thay đổi, tăng cường khả năng đánh giá, nhận biết chính xác về phương án kinh doanh của DNNVV, từ đó đánh giá tính khả thi và dòng tiền mang lại trong tương lai. Đồng thời phải nâng cao năng lực cán bộ tín dụng bởi rất nhiều cán bộ tín dụng quen với việc thẩm định những DN lớn có kết quả kinh doanh tốt, báo cáo tài chính minh bạch, phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng, khả thi nên khi chuyển sang thẩm định các DNNVV mà không đạt các tiêu chuẩn đó thì họ không thẩm định được, kết quả là không dám cho vay vì lo ngại nợ xấu.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, thời gian qua, NHNN đã triển khai nhiều chính sách để thúc đẩy cho vay lĩnh vực này thông qua nhiều kênh như: tín dụng thương mại tại các NHTM, tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội và tín dụng tại các ngân hàng có bảo lãnh của các Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hiện nay hầu hết các TCTD đã tham gia cho vay đối với các doanh nghiệp lxinh vực này. Bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế.
Ngân hàng lý liệt kê loạt nguyên nhân khó cho vay
Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV khẳng định, thời gian qua, hệ thống ngân hàng luôn đồng hành, triển khai đồng bộ các chương trình hỗ trợ nguồn vốn cho sự phát triển của DNNVV. Tại BIDV, nhóm DNNVV chiếm 98% về số lượng, 40 % về dư nợ KHDN trong nước, là phân khúc khách hàng quan trọng trong chiến lược kinh doanh được BIDV ưu tiên các nguồn lực, hỗ trợ các giải pháp toàn diện để thúc đẩy và phát triển.
Thời gian qua, BIDV triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng DNNVV; nghiên cứu cắt giảm thủ tục, thời gian vay vốn cũng như phát các sản phẩm tín dụng đặc thù, nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản đảm bảo cho đối tượng này…
Mặc dù vậy, Phó Tổng Giám đốc BIDV cũng thừa nhận, nhưng trong quá trình triển khai cho vay DNNVV, BIDV cũng đối diện với nhiều khó khăn.
Thứ nhất, về nguồn vốn, NHNN quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn 5%/năm đối với DNNVV thuộc đối tượng ưu tiên, tuy nhiên các ngân hàng thương mại phải dùng nguồn vốn thương mại từ huy động vốn cá nhân/tổ chức (với mức lãi suất huy động cao) để cho vay. Bên cạnh đó, với đối tượng khách hàng này, ngân hàng phải dành nhiều thời gian tác nghiệp cho khoản vay quy mô nhỏ, dẫn tới chi phí đầu vào cao.
Về điều kiện tín dụng, DNNVV thường có mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu minh bạch giữa tài chính của cá nhân, chủ sở hữu và doanh nghiệp, báo cáo tài chính thường chưa được kiểm toán, trình độ quản lý, tổ chức, điều hành, nguồn vốn, năng lực sản xuất, trình độ kỹ thuật còn hạn chế … nên trong nhiều trường hợp khó đáp ứng điều kiện vay vốn Ngân hàng.
Về Tài sản bảo đảm, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có đủ TSBĐ để đáp ứng nhu cầu tín dụng ngày tăng cao để phát triển kinh doanh. Mặc dù Chính phủ đã có cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) và bảo lãnh tín dụng tại các Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương tuy nhiên việc triển khai các cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV còn kém hiệu quả, gặp nhiều vướng mắc khó khăn, và rất ít Doanh nghiệp có thể tiếp cận được.
Phía NHNN cũng khẳng định, sở dĩ vẫn còn có phản ánh DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng là do nhiều vướng mắc.
Về phía ngành ngân hàng, thứ nhất, trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các TCTD đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng, do đó, không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng.
Thứ hai, DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, do đó, các DNNVV phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh để được tiếp cận chính sách ưu tiên trần lãi suất theo quy định.
Thứ ba, thời gian qua trước diễn biến lạm phát kinh tế thế giới và trong nước, mặt bằng lãi suất cho vay có giai đoạn tăng cao, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ còn gặp khó khăn.
Thứ tư, việc tiếp cận thông tin về các DNNVV còn hạn chế do hiện nay các TCTD chủ yếu khai thác thông tin thông qua việc tìm hiểu trực tiếp doanh nghiệp và qua Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), chưa khai thác được tối đa các thông tin từ các hiệp hội, ngành nghề, cơ quan thuế, cơ quan hải quan...
Về phía doanh nghiệp SME cũng còn nhiều vướng mắc nội tại.
Thứ nhất, hầu hết các DNNVV là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, thiếu tài sản bảo đảm, không có báo cáo tài chính được kiểm toán… không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng.
Thứ hai, đa số các DNNVV khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các DNNVV mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế mới, vì vậy, TCTD không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của DNNVV, các TCTD khó khăn trong việc quản lý dòng tiền do nhiều DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng.
Thứ ba, các DNNVV trong thời gian qua đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn…
Thứ tư, các DNNVV còn hạn chế về kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nên các phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thường thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường.
Thứ năm, vướng mắc pháp lý đối với tài sản thế chấp của DNNVV, vướng mắc tài sản là hợp đồng thế chấp tại khu công nghiệp; tình trạng quy hoạch treo, công trình trên đất không có giấy phép xây dựng hoặc chưa hoàn công…dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn của doanh nghiệp.
Cần cơ chế hỗ trợ ngân hàng bơm vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Để DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý để phục hồi sản xuất kinh doanh, Phó Tổng giám đốc BIDV cho rằng, Chính phủ,NHNN cần có cơ chế hỗ trợ đối với các NHTM (như chính sách tái cấp vốn, cấp bù lãi suất…) khi cho vay DNNVV, đồng thời mở rộng quy mô cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ phát triển DNNVV.
Ngoài ra, Chính phủ nghiên cứu các biện pháp gia tăng hiệu quả của bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, nhằm chia sẻ rủi ro với hệ thống ngân hàng. Các giải pháp cần tổng thể về văn bản pháp luật, quy chế phối hợp, cơ chế thực thi đảm bảo quyền lợi các bên tham gia, rút ngắn thời gian phát hành và thực thi nghĩa vụ bảo lãnh, hỗ trợ phí bảo lãnh …
Bên cạnh đó, các DNNVV cần chủ động nâng cao năng lực hoạt động - quản trị, xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp lâu dài, hướng tới minh bạch hóa về tài chính, đầu tư kỹ thuật-công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, nhằm đáp ứng các điều kiện vay vốn tại các TCTD.