Ngày hôm qua (27-2), giá vàng thế giới đã giảm mạnh, dao động quanh mốc 1.884 USD/ounce, tương đương 52,3 triệu đồng/lượng. Điều này trái ngược hoàn toàn với ngày 24-2, thời điểm Nga phát động cuộc tấn công quân sự vào Ukraine, giá vàng tăng dựng đứng lên 1.976 USD/ounce, tương đương 54,9 triệu đồng/lượng.
Như vậy, chỉ trong vòng ba ngày, giá vàng đã bốc hơi 2,6 triệu đồng/lượng. Tuy vậy, theo dữ liệu từ Kitco, trong 30 ngày qua, giá vàng thế giới tăng gần 70 USD/ounce, tương đương tăng hơn 3,80%.
Giá vàng trong nước đang đắt hơn thế giới khoảng 13,45 triệu đồng/lượng. Ảnh: T.LINH
Ông David Meger, Giám đốc kinh doanh vàng Quỹ High Ridge Futures (Mỹ), nhận định sự phục hồi trên thị trường chứng khoán toàn cầu đã khiến vàng mất động lực tăng giá cho dù thị trường đang kỳ vọng kim loại quý này sẽ tăng do nhu cầu trú ẩn an toàn trước căng thẳng địa chính trị. Đà tăng của giá vàng còn bị hạn chế bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất vào tháng 3 này.
Tuy nhiên, ông Daniel Briesemann, chuyên gia phân tích Ngân hàng Commerzbank (Đức), dự báo giá vàng giảm hiện nay chỉ là quá trình tạm thời. Nếu cuộc chiến tại Nga và Ukraine tiếp tục mở rộng và kéo dài thì vàng thế giới sẽ tăng giá mạnh.
Sáng cùng ngày, vàng trong nước duy trì mức giá là 65,75 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Như vậy, sau một tuần tăng nóng phá vỡ mọi kỷ lục khi chạm mốc cao mới 67,5 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao.
Đáng chú ý, giá vàng trong nước đang đắt hơn so với giá vàng thế giới lên đến 13,45 triệu đồng/lượng và có xu hướng ngày càng cao hơn giá thế giới. Do giá vàng trong nước quá cao so với giá thế giới, người mua vàng chịu nhiều thiệt thòi.