vĐồng tin tức tài chính 365

Vì sao Tổng thống Mỹ "kiên quyết" không điều binh tới Ukraine, kể cả để giải cứu công dân?

2022-02-28 09:27

Phương án "không được chọn"

Kể từ khi căng thẳng leo thang sau quyết định công nhận Donbass của Tổng thống Nga Putin, không ít lần giới truyền thông đặt ra câu hỏi với Tổng thống Mỹ: Liệu Washington có đưa quân tới Ukraine hay không?

Và cho đến giờ câu trả lời của ông Biden vẫn là: Không!

Tổng thống Mỹ né tránh khả năng xảy ra va chạm quân sự Mỹ - Nga và ông kiên quyết tới mức rút tất cả những binh sĩ Mỹ đang làm nhiệm vụ huấn luyện cho quân đội Kiev khỏi Ukraine ngay khi căng thẳng manh nha, đồng thời tuyên bố sẽ không đưa quân tới giải cứu người Mỹ trong trường hợp họ bị mắc kẹt ở Ukraine.

Ngay từ giữa tháng 2, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo rằng, Mỹ "sẽ không thể giải cứu được công dân Mỹ trong trường hợp Nga tiến hành hoạt động quân sự ở bất cứ đâu tại Ukraine". Theo đó, những hoạt động lãnh sự thông thường như hỗ trợ công dân rời khỏi nước sở tại cũng sẽ bị "ảnh hưởng nghiêm trọng".

Người dẫn chương trình của NBC News - Lester Holt đã hỏi ông Biden rằng gặp tình huống nào thì ông mới điều quân tới giải cứu người Mỹ muốn rời khỏi Ukraine. Nhà lãnh đạo Mỹ đáp:

"Không có tình huống nào cả. Mỹ và Nga mà bắn nhau thì đó là thế chiến rồi", ông Biden nói, "Chúng ta đang ở một thế giới rất khác so với trước đây".

Quan điểm này được ông Biden nhấn mạnh không chỉ một lần. Khi đưa ra loạt cấm vận đầu tiên nhằm vào Kremlin, ông Biden lại khẳng định thêm lần nữa: "Chúng tôi không hề có ý định giao tranh với Nga".

Viễn cảnh tàn khốc Nga, Mỹ đều không muốn

Động thái rút quân chóng vánh và gấp rút đóng cửa đại sứ quán ở Ukraine của ông Biden không phải là không bị chỉ trích mặc dù khảo sát cho thấy dư luận Mỹ cũng không mặn mà với việc Mỹ tham chiến ở châu Âu. Nga và Mỹ dẫu gì cũng là các cường quốc hạt nhân, nguy cơ tình hình leo thang là có thật.

Nhà lãnh đạo Mỹ và các cố vấn của ông biết về những lời chỉ trích ấy. Thế nhưng khi được hỏi liệu các động thái của ông Putin có khiến nội bộ chính quyền Mỹ nghĩ lại hoặc bất mãn về lập trường của tổng thống hay không, họ đều thẳng thừng trả lời ngay.

"Không!", một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói với Politico.

"Hoàn toàn không!", một quan chức Lầu Năm Góc nói thêm, "Chẳng ai lại muốn liều chiến tranh hạt nhân với Nga vì Ukraine cả".

Vì sao Tổng thống Mỹ kiên quyết không điều binh tới Ukraine, kể cả để giải cứu công dân? - Ảnh 2.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars của Nga được phóng trong 1 cuộc tập trận. Ảnh: BQP Nga / AP

Vũ khí hạt nhân khi được triển khai trên diện rộng có thể quét sạch toàn bộ nhân loại. Nguy cơ xung đột giữa 2 cường quốc hạt nhân lớn tới mức - về lý thuyết - gần như bất cứ một nhà lãnh đạo tỉnh táo nào cũng sẽ né tránh.

Điều này đặc biệt đúng với Nga và Mỹ, hai nước đang kiểm soát tới gần 90% đầu hạn hạt nhân của toàn thế giới.

Vấn đề không chỉ nằm ở quy mô kho vũ khí của họ mà còn ở "cơ cấu" - cả Washington và Moscow đều có năng lực "tấn công thứ hai" (second-strike capability) - nghĩa là bên nào cũng có khả năng chống đỡ được đợt tấn công hạt nhân đầu tiên từ phía bên kia và tiến hành đáp trả.

Năng lực này phần nào được Mỹ và Nga duy trì thông qua "bộ ba hạt nhân": Máy bay ném bom trang bị bom hạt nhân, tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân và các hệ thống tên lửa hạt nhân phóng từ đất liền.

Kết quả là cả Mỹ lẫn Nga đều không thể mong "giành chiến thắng" trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Dù bên nào tấn công trước, phá hủy các cơ sở quân sự và các khu vực tập trung dân cư, thì bên còn lại cũng vẫn có thể thực hiện đòn phản công hạt nhân tàn khốc nhằm vào đối thủ. Cách duy nhất để giành chiến thắng chính là không đấu với nhau. 

Mỹ không hề bị ràng buộc

Theo Politico, không hề có dấu hiệu gì cho thấy phương án đưa quân tới Ukraine từng được bàn thảo một cách nghiêm túc trong chính quyền Mỹ mặc dù có thông tin cho rằng các quan chức Mỹ đã cân nhắc xem liệu có nên đưa cố vấn quân sự tới đó hay không.

"Cố vấn quân sự" là một cụm từ linh hoạt trong từ điển của Lầu Năm Góc. Cụm từ này có thể là để chỉ quân nhân tại ngũ hoặc quân dự bị giữ nhiệm vụ hỗ trợ hoặc huấn luyện; và thông thường các cố vấn đến từ lực lượng Mũ nồi Xanh - Green Berets.

Hồi tháng 11/2021, một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ đã sử dụng cụm từ phổ biến mà nhiều lãnh đạo Mỹ vẫn dùng để ngầm ám chỉ khả năng tính tới vũ lực. "Mọi phương án đều được cân nhắc và có cả một bộ công cụ bao gồm nhiều lựa chọn", Trợ lý ngoại trưởng chuyên trách các vấn đề về châu Âu và Âu - Á Karen Donfried nói.

Thế nhưng, tới tháng 12, ông Biden lại khẳng định luôn: "phương án đó không được cân nhắc" khi được hỏi về khả năng đưa quân Mỹ tới Ukraine. Từ đó, các cố vấn của ông cũng nhiều lần nhấn mạnh điều này.

Ngoài nỗi lo về nguy cơ chiến tranh hạt nhân, các quan chức Mỹ còn chỉ ra nhiều lý do khác để né tránh phương án điều quân tới Ukraine, trong đó đáng chú ý nhất là việc Mỹ không hề bị ràng buộc trách nhiệm bởi bất cứ hiệp ước nào với Ukraine. 

Mỹ cũng không có lợi ích an ninh quốc gia quan trọng nào bị đe dọa ở đó. Ukraine không nằm giáp với biên giới của Mỹ, không có căn cứ của Mỹ đồn trú và cũng không phải đối tác thương mại trọng yếu.

Vì sao Tổng thống Mỹ kiên quyết không điều binh tới Ukraine, kể cả để giải cứu công dân? - Ảnh 3.

Quân đội Mỹ tham gia huấn luyện cho lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine hồi 2015. Ảnh: Reuters

Thực ra, trong quá khứ, những nguyên nhân ấy không hề ngăn cản Mỹ sử dụng năng lực quân sự của mình nhân danh các nước khác. Nhưng quan điểm của Tổng thống Biden về sự can thiệp của Mỹ có lẽ đã có chuyển biến sau nhiều thập kỷ.

Hồi những năm 1990, ở cương vị của một Thượng nghị sĩ, ông Biden đã ủng hộ việc đưa quân tới vùng Balkans. Tuy nhiên, sau quãng thời gian chật vật của Mỹ ở Afghanistan và Iraq, ông Biden trở nên thận trọng hơn.

Khi còn là Phó Tổng thống Mỹ dưới thời ông Obama, ông Biden đã phản đối việc can thiệp vào Libya, cho rằng Mỹ không có lợi ích chiến lược chủ chốt nào ở đó. Ông Biden cũng cực lực phản đối quyết định tăng quân ở Afghanistan trước kia.

Hiện tại, những gì ông Biden làm là điều động hoặc tái bố trí hàng nghìn binh lính bổ sung tới các nước NATO gần Ukraine. Quá trình này được đưa ra để cho ông Putin thấy là cuộc giao tranh không thể vượt ra khỏi khuôn khổ của Ukraine và lan sang các nước NATO, những nước mà Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ theo thỏa thuận.

Khảo sát cho thấy dư luận Mỹ không mặn mà với việc bước vào một cuộc chiến khác, đặc biệt là sau 20 năm đẫm máu của Mỹ ở Afghanistan mà kết cục là Taliban giành được quyền kiếm soát.

Quan điểm của ông Biden về Ukraine nhận được sự hưởng ứng không chỉ từ phe Dân chủ, mà thậm chí còn từ những nghị sĩ Cộng hòa nắm được tâm lý của dư luận. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio đã lên tiếng bác bỏ ý tưởng đưa quân tới Ukraine: "Chiến tranh giữa Mỹ và Nga sẽ không có lợi cho bất kỳ ai".

"Đây là 2 cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới và đó chỉ là một trong những điều mà chúng ta phải tránh bằng mọi giá bởi tình hình có thể leo thang rất nhanh", ông Rubio nói trên CBS, "Chúng tôi không phải cảnh sát của thế giới. Chúng tôi sẽ không đưa quân tới Ukraine".

Tuần này, hơn 40 nghị sĩ từ cả 2 đảng đã viết thư gửi ông Biden với 1 lời đề nghị: Nếu ông Biden muốn điều quân tới Ukraine thì phải đưa vấn đề này ra Quốc hội trước.

"Người dân Mỹ, thông qua các đại diện ở Quốc hội, xứng đáng có cơ hội lên tiếng trước khi binh lính Mỹ được đặt vào tình huống hiểm nguy, hoặc nước Mỹ can dự vào một cuộc xung đột khác ở nước ngoài", các nghị sĩ viết.

https://soha.vn/vi-sao-tong-thong-my-kien-quyet-khong-dieu-binh-toi-ukraine-ke-ca-de-giai-cuu-cong-dan-20220227014449568.htm

Xem thêm: nhc.95904558082202202-nad-gnoc-uuc-iaig-ed-ac-ek-eniarku-iot-hnib-ueid-gnohk-teyuq-neik-ym-gnoht-gnot-oas-iv/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vì sao Tổng thống Mỹ "kiên quyết" không điều binh tới Ukraine, kể cả để giải cứu công dân?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools