Ngày 27-2, Kosovo cho biết sẽ đề nghị Washington thiết lập một căn cứ quân sự thường trực trên lãnh thổ của mình, thúc giục Mỹ và các đồng minh chấp nhận nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Pristina. Hiện tại, 4 thành viên của khối quân sự do Mỹ đứng đầu vẫn từ chối công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập, theo đài RT.
Trong một bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội ngày 27-2, người đứng đầu cơ quan quốc phòng Kosovo Armend Mehaj lập luận rằng Pristina "cần ngay lập tức" "tăng tốc trở thành thành viên của NATO và thành lập một căn cứ thường trực của lực lượng Mỹ" trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đang diễn ra.
Người đứng đầu cơ quan quốc phòng Kosovo - ông Armend Mehaj. Ảnh: LIBREDD
Cho rằng "hoạt động quân sự đặc biệt" của Điện Kremlin là "hành động xâm lược quân sự", ông Mehaj nói rằng việc triển khai thường xuyên các lực lượng của Mỹ là cần thiết để "đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở Tây Balkan và hơn thế nữa".
"Cộng hòa Kosovo và các công dân của mình, chúng tôi đã chứng minh rằng chúng tôi là những chiến binh xứng đáng để bảo vệ các giá trị tự do, hòa bình và dân chủ của khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Đây là các giá trị mà NATO đã khẳng định và cũng là sứ mệnh của tổ chức" - ông Mehaj viết.
Ông lập luận rằng bây giờ là thời điểm để các quốc gia thành viên NATO cho đến nay không muốn công nhận Kosovo, bao gồm Hy Lạp, Romania, Slovakia và Tây Ban Nha, nên làm như vậy.
"Đừng chần chừ nữa!" - ông Mehaj viết.
Hơn 50% các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã công nhận Kosovo, quốc gia tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008 với sự hỗ trợ từ phương Tây. Serbia, Nga, Trung Quốc, Argentina, Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Mexico và Nam Phi, cùng các quốc gia khác, vẫn coi đây là một khu vực ly khai của Serbia.