Những diễn biến liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đang đe dọa không ít đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu từ dịch Covid-19
Phương Tây tăng sức ép lên Nga
Các biện pháp trừng phạt được Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) công bố cho đến giờ là nhằm ngăn chính phủ và các ngân hàng Nga tiếp cận thị trường tài chính toàn cầu, cũng như hạn chế Moscow xuất khẩu công nghệ.
Trong động thái mới nhất nhằm tăng sức ép lên Nga, phương Tây quyết định sử dụng đến "vũ khí hạt nhân tài chính" - như lời Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire. Cụ thể, Mỹ và các đồng minh hôm 26-2 đã nhất trí trừng phạt Ngân hàng Trung ương Nga cũng như loại một số ngân hàng nước này ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT (từ viết tắt của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu).
Ra đời năm 1973 và hiện đặt trụ sở tại Bỉ, SWIFT là hệ thống nhắn tin toàn cầu kết nối hơn 11.000 ngân hàng, tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ đó cung cấp thông tin cho ngân hàng về các giao dịch. SWIFT cũng hỗ trợ việc thanh toán xuyên biên giới nhanh chóng.
Theo Hiệp hội SWIFT quốc gia Nga, khoảng 300 ngân hàng và tổ chức hàng đầu của nước này sử dụng SWIFT trong lúc hơn một nửa tổ chức tín dụng tham gia hệ thống này. Việc Moscow tiếp cận SWIFT đóng vai trò quan trọng, cho phép các công ty năng lượng Nga nhận thanh toán từ việc bán dầu khí cho bên ngoài. Giờ đây, theo tờ USA Today (Mỹ), việc cấm Moscow sử dụng SWIFT có thể gây hại cho kinh tế Nga trước mắt cũng như lâu dài. Chẳng hạn, Nga sẽ khó thực hiện các giao dịch quốc tế, ảnh hưởng đến nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí.
Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo không chỉ có Moscow chịu thiệt hại từ những biện pháp trừng phạt nói trên, nhất là khi các ngân hàng lớn của Nga hiện gắn kết chặt chẽ với hệ thống tài chính, kinh tế toàn cầu. Do Nga là nước xuất khẩu năng lượng lớn, tình hình hiện nay có thể khiến giá dầu tăng cao, đe dọa sự phục hồi của kinh tế toàn cầu từ đại dịch Covid-19. Riêng với SWIFT, các nước phương Tây cũng gặp khó trong việc thanh toán năng lượng mua của Nga, từ đó khiến giá dầu tăng. Ngoài ra, chủ nợ cũng không dễ thu hồi tiền từ các công ty Nga.
Tóm lại, như chuyên gia Markos Zachariadis của Trường ĐH Manchester (Anh) chỉ ra, tất cả quốc gia giao dịch với Nga, trong đó có nhiều nước EU và những nước mua nhiều năng lượng từ Moscow và các doanh nghiệp (DN) giao dịch với những tổ chức Nga cũng bị ảnh hưởng.
Ngân hàng Trung ương Nga là một trong những mục tiêu trừng phạt của phương TâyẢnh: Reuters
Nguy cơ lạm phát tăng nóng
Đề cập việc các nước phương Tây có thể loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT, ông Từ Tiết Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu, cho hay SWIFT được quản lý bởi các ngân hàng trung ương nhóm G10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và quyền quản lý cao nhất thuộc về Ngân hàng Quốc gia Bỉ. Để trừng phạt, các nước phương Tây có thể ngắt SWIFT của Nga bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên, do là quốc gia có các tổ chức tài chính kết nối SWIFT lớn thứ 2 sau Mỹ nên việc Nga không được giao dịch qua hệ thống này thì thiệt hại không phải chỉ ở các ngân hàng của Nga mà là của nhiều ngân hàng trên thế giới. Nhiều khoản nợ các ngân hàng châu Âu đến hạn có thể bị các ngân hàng Nga mượn lý do không kết nối để hoãn thời gian trả. Khi đó, các ngân hàng châu Âu sẽ rơi vào tình thế lao đao.
"Kinh tế Nga và Ukraine chỉ chiếm dưới 2% kinh tế toàn cầu nên việc xung đột của 2 nước này không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế thế giới. Thế nhưng, nếu phương Tây trừng phạt Nga bằng cách loại ra khỏi SWIFT thì có thể làm cho nước này không xuất khẩu được dầu thô (do không thanh toán được). Khi đó, giá dầu thô có thể tăng mạnh, kéo lạm phát toàn cầu tăng nóng, ảnh hưởng rất lớn đến đà tăng trưởng kinh tế thế giới" - ông Phát phân tích.
Theo trưởng phòng kinh doanh tiền tệ của một ngân hàng lớn ở TP HCM, Nga không phải là đối tác thương mại lớn của các DN Việt Nam. Số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Nga - Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 chỉ đạt hơn 7,14 tỉ USD.
"Giả sử phương Tây loại các ngân hàng Nga ra khỏi SWIFT thì sẽ tác động đến giao dịch của DN Việt Nam tại thị trường Nga nhưng không đáng kể. Bởi lẽ, các DN của Nga có thể giao dịch đường vòng thông qua các ngân hàng của quốc gia thứ 3" - vị trưởng phòng này phân tích.
Trong khi đó, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công Thương, nhận định cục diện chính trị - quân sự giữa Nga và Ukraine với đỉnh điểm là chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là giá dầu. Là nước khai thác và xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, Nga trong mối căng thẳng với Ukraine và sự đe dọa trừng phạt của Mỹ, châu Âu sẽ tiếp tục đẩy giá dầu cùng các sản phẩm khí đốt lên cao hơn nữa.
"Khi chiến dịch quân sự này chưa diễn ra, căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã khiến giá dầu tiến sát mốc 100 USD/thùng, gây ảnh hưởng chung đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trước tác động từ giá dầu thế giới tăng cao trong bối cảnh không biết khi nào tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine kết thúc, Chính phủ cần tiếp tục xây dựng các kịch bản ứng phó với tầm nhìn xa. Trong đó, cân nhắc giảm thêm thuế, phí để kéo giá bán lẻ xăng dầu trong nước xuống" - ông Phương nêu.
Về thương mại - đầu tư, TS Lê Quốc Phương cho rằng do Nga và Ukraine không phải là đối tác lớn của Việt Nam nên tác động trực tiếp từ căng thẳng 2 bên không ảnh hưởng quá lớn tới nước ta. Trong đó, Nga chỉ đứng thứ 25-26 trong danh sách các nước có quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam dù 2 nước đã có chung Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Á Âu từ năm 2015. Nguyên nhân là bởi Nga không có nhu cầu lớn với hàng hóa Việt Nam và ngược lại.
"Do vậy, tác động trực tiếp từ tình hình Nga - Ukraine đến nền kinh tế Việt Nam không lớn nhưng tác động gián tiếp qua giá dầu hay tác động từ những nước áp dụng lệnh trừng phạt với Nga trong thời gian này với Việt Nam cũng là vấn đề cần được lưu tâm để có giải pháp ứng phó kịp thời" - TS Phương nhìn nhận.
Lo ngại về "cú sốc năng lượng"
Trang Bloomberg dự báo nếu việc giao tranh kết thúc nhanh chóng sẽ giúp ngăn chặn một vòng xoáy tăng giá nữa trên thị trường hàng hóa. Khi đó, sự phục hồi kinh tế của Mỹ và châu Âu vẫn đi đúng hướng.
Trong trường hợp căng thẳng kéo dài, phương Tây có phản ứng cứng rắn hơn và hoạt động xuất khẩu dầu khí của Nga bị gián đoạn, cú sốc năng lượng lớn hơn sẽ xảy ra và thị trường toàn cầu bị trúng đòn mạnh. Kịch bản xấu nhất là Nga ngưng cung cấp khí đốt cho châu Âu để trả đũa các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt. Lúc đó, kinh tế châu Âu có thể rơi vào suy thoái, trong khi Mỹ phải thắt chặt đáng kể các điều kiện tài chính, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng.
Xuất khẩu thủy sản sang Nga bị ảnh hưởng
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự đoán tình hình xung đột Nga - Ukraine sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sang cả 2 thị trường này. Trước hết là ảnh hưởng tâm lý khiến cả khách hàng và DN e ngại giao dịch trong bối cảnh hiện nay. Diễn biến mới nhất là Mỹ và đồng minh nhất trí loại một số ngân hàng chủ chốt của Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT cũng khiến quá trình thanh toán khó khăn hơn. Một số khách hàng châu Âu mua thủy sản Việt Nam để bán sang Nga cũng bị tác động dây chuyền. Hơn nữa, việc giá dầu leo thang tiếp tục ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của DN, đặc biệt vận tải nội địa, cước tàu biển gây thêm khó khăn cho DN. VASEP khuyến cáo với các DN cần đa dạng hóa thị trường, tránh sản xuất và lưu kho với số lượng lớn hàng hóa theo quy cách riêng thị trường Nga để tránh rủi ro không thể bán được cho thị trường khác.
Số liệu của VASEP cho thấy tăng trưởng xuất khẩu sang Nga đã tăng 21% trong năm 2021. Số DN được phép xuất khẩu sang thị trường này đã tăng gấp đôi, lên 50 DN trong năm 2021 và khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam được Nga cải thiện. Tính đến hết tháng 11-2021, xuất khẩu thủy sản sang Nga đạt gần 150 triệu USD gồm: tôm, cá tra, cá ngừ, bạch tuộc, mực...
Xem thêm: mth.38023401272202202-man-teiv-et-hnik-gnod-cat-ti-eniarku-agn-tod-gnux/et-hnik/nv.moc.dln