Chia sẻ về phương pháp nói trên, Giáo sư Anvar Zakhidov, Giám đốc khoa học của dự án cơ sở hạ tầng "High-Performance, Flexible, Photovoltaic Devices Based in Hybrid Perovskites" tại NUST MISiS cho biết: Đầu tiên khẩu trang sẽ được khử trùng bằng sóng siêu âm và nhúng vào mực làm từ graphene. Sau đó, đưa khẩu trang vào làm nóng tới 140 độ C để hình thành viên nhỏ, có thể hoạt động như điện cực của pin. Những viên nhỏ này được tách ra bằng một lớp cách nhiệt cũng làm từ khẩu trang đã qua sử dụng. Bước cuối cùng là ngâm toàn bộ vật thể trong chất điện phân và bọc bằng vỏ sản xuất từ vỏ thuốc bỏ đi. Theo cách trên, rác thải y tế trở thành cốt lõi của viên pin mà thứ duy nhất cần thêm vào chỉ là graphene.
Nhóm nghiên cứu tiết lộ sản phẩm pin hoạt động hiệu quả một cách bất ngờ với mật độ năng lượng đạt 99,7 Wh/kg, trong khi đó, mật độ năng lượng của pin lithium-ion phổ biến dao động từ 100 đến 265 Wh/kg.
Các nhà nghiên cứu đã cải tiến pin bằng cách bổ sung các hạt nano của perovskite canxi-coban oxit vào các điện cực. Nhờ vậy, mật độ năng lượng của pin tăng hơn gấp đôi, lên mức 208 Wh/kg. Phiên bản hoạt động tốt nhất của pin vẫn duy trì 82% dung lượng sau 1.500 chu kỳ và có thể cung cấp năng lượng trong hơn 10 giờ ở điện áp 0,54 V.
Nhóm nghiên cứu cho rằng loại pin này cũng có một số lợi ích khác. Pin được làm từ các sản phẩm phế thải nên chi phí thấp và chúng có thể được sản xuất ở dạng mỏng và linh hoạt, thậm chí có thể dùng một lần nếu cần. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Energy Storage.
Đào Vũ (Theo Môi Trường Đô thị, Báo Tin Tức)