Lực lượng Phòng PC08B tuyên truyền cho người dân sử dụng phương tiện đường thủy - Ảnh: PC08B
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Công an, về triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 26-2 tại vùng biển Cửa Đại, Hội An, tỉnh Quảng Nam, Cục Cảnh sát giao thông (C08) đã gửi điện khẩn chỉ đạo công an các tỉnh thành.
Trong đó yêu cầu tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra, thống kê, đánh giá thực trạng tất cả hoạt động vận tải hành khách liên quan đến phương tiện thủy nội địa gồm: hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, ngang sông, dọc sông, du lịch, lễ hội, lưu trú nghỉ đêm…
Phòng cảnh sát đường thủy (PC08B) Công an TP.HCM đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật giao thông đường thủy nội địa, những nội dung của nghị định 139/2022 có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, trong đó có nhiều điểm mới, tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm và phòng, chống đuối nước ở trẻ em.
Đại úy Huê Duy Nguyên (Phòng PC08B) cho biết mức phạt được điều chỉnh theo hướng tăng từ gấp 3 cho đến 30 lần tùy theo hành vi vi phạm.
Bên cạnh việc xử phạt hành chính bằng tiền, còn có xử lý kèm theo như tạm giữ giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng thời gian từ 3 tháng đến 6 tháng. Một trong những điểm mới trong nghị định 139 là việc xác định lỗi dựa trên công suất máy của phương tiện.
Cảnh sát đường thủy tập trung kiểm tra ngay tại các đầu bến, các địa bàn phức tạp về hoạt động vận tải hành khách, kiên quyết đình chỉ hoạt động và không cho xuất bến đối với các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn như chở quá số người quy định, thiếu thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm, không có danh sách hành khách theo quy định… hoặc khi điều kiện thời tiết không bảo đảm.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, như là sử dụng phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; người điều khiển phương tiện và làm việc trên phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn…
Ông Trần Văn Lực (ngụ TP Thủ Đức) chia sẻ trong thời gian tới, mức xử phạt nặng hơn thì người dân càng phải thận trọng hơn, khi sử dụng phương tiện thủy nội địa càng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ quy định tốt hơn, đó là bảo vệ cho mình và cho mọi người.
Anh Lê Đình Sơn (ngụ quận 8) cho biết không phải ai đi đò cũng mang áo phao, nhiều khi được phát áo phao cũng không mặc vì ngại áo phao nhiều người sử dụng nên dính mồ hôi, ngại dơ.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hoàng (nhân viên phà Phú Định, quận 8) cho biết: "Chúng tôi kiên quyết nhắc nhở mọi người lên phà phải mang khẩu trang, mặc áo phao đầy đủ, nếu không chấp hành thì chúng tôi từ chối, không cho lên phà".
TTO - Thi thể bé trai 3 tuổi, là nạn nhân cuối cùng trong vụ lật chìm ca nô ở vùng biển Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam đã được tìm thấy.