Kết quả điều tra ban đầu cho thấy để làm thủ tục đăng kiểm nhanh và không bị gây khó dễ, các chủ xe khi đến đăng kiểm tại Trung tâm 29-01V thường để số tiền 100.000 - 200.000 đồng trong xe. Tiền được để trên ghế, tableau hoặc bàn cần số. Nếu chủ xe "quên", đăng kiểm viên sẽ chủ động yêu cầu đưa tiền.
Quá trình kiểm định, nếu phát hiện lỗi kỹ thuật của xe, đăng kiểm viên yêu cầu chủ xe đưa thêm tiền để được cấp kiểm định xe đạt yêu cầu. Số tiền để được bỏ qua lỗi từ 100.000 - 400.000 đồng. Trường hợp không đồng ý, chủ xe phải đưa xe về sửa chữa, khi nào đạt yêu cầu mới quay lại đăng kiểm.
Theo công an, việc đăng kiểm viên tại Trung tâm 29-01V không thực hiện đúng quy trình đăng kiểm, nhận tiền để bỏ qua lỗi diễn ra từ lâu và ban giám đốc trung tâm đều biết. Trung bình mỗi ngày, trung tâm này kiểm định khoảng 60 - 70 phương tiện, số tiền thu lợi bất chính từ 6 - 8 triệu đồng.
Tiền thu được ngoài dùng để chi "đối ngoại" và cho vào quỹ chung, số còn lại chia cho giám đốc, phó giám đốc và đăng kiểm viên, theo tỷ lệ tương ứng với chức vụ, trong đó giám đốc được hưởng nhiều nhất.
Trước đó, hôm 30.1, Công an H.Thường Tín (Hà Nội) cũng đã bắt tạm giam 5 bị can thuộc Trung tâm đăng kiểm 29-15D để điều tra tội nhận hối lộ. Nhóm này bị cáo buộc nhận tiền từ 200.000 - 300.000 đồng của mỗi chủ xe để bỏ qua lỗi khi đăng kiểm.
Theo Công an TP.Hà Nội, trên địa bàn có 31 trung tâm đăng kiểm, trong đó 6 trung tâm do Cục Đăng kiểm VN (thuộc Bộ GTVT) quản lý, 2 trung tâm do Sở GTVT Hà Nội quản lý, 3 trung tâm do Tổng công ty vận tải Hà Nội quản lý, còn lại là trung tâm đăng kiểm của tư nhân và xã hội hóa.
Tính tới nay, công an đã khởi tố hàng trăm bị can để điều tra tội nhận hối lộ. Các bị can đều là giám đốc, phó giám đốc, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của các trung tâm đăng kiểm.
Sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm xảy ra từ nhiều năm nay, mỗi trung tâm hưởng lợi bất chính hàng tỉ đồng, chủ yếu là nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi không đủ điều kiện đăng kiểm như hệ thống phanh, tiêu chuẩn khí thải, đèn, trọng tải…