Dù đi đâu ngày Tết vẫn về nhà, không ai bảo ban gì mà như đã thành hẹn. Ba mẹ già yếu lần lượt ra đi, căn nhà cũ thành nơi thờ tự, cũng là chốn đi về của anh em, con cháu nhà tôi.
Làng quê cũng đã từng "sốt" đất, khu vườn có lúc được trả bạc tỉ nhưng anh em, con cháu không ai có ý định tranh giành. Vì đó là nhà, là nơi chốn để về trong ngày giỗ chạp, Tết nhứt.
Về đến quê, không gian yên bình mang lại cảm giác thân thương như đứa con đi xa được về với vòng tay mẹ. Người quê chân chất, nghĩa tình vẫn như hình ảnh thương yêu tôi mãi mang theo trong hồn mình trong những ngày xa quê.
Đường làng nay đã bê tông hóa mà không hề khô lạnh, vẫn ấm áp bước chân quen như ngày xưa đi về trên con đường đất đỏ. Làng quê thay đổi nhưng tình người đơn sơ mà nồng ấm như xưa nay vẫn vậy.
Về quê ngày 30 Tết đường làng vắng vẻ vì người dân quê tôi đang bận việc đồng áng ngày mùa. Sự yên ắng cho ngày mai rộn ràng trên muôn nẻo đường quê. Người quê làm lụng vất vả mà chân thành, hết mình trong cả niềm vui và công việc.
Bước chân vào nhà, tôi thoáng chút ngỡ ngàng, hụt hẫng khi nhớ ra ba mẹ không còn. Dù sự thật ba mẹ đi về nơi xa xôi vô cùng đã nhiều năm nhưng thật khó để quen với việc về nhà ngày Tết mà thiếu bóng dáng yêu thương.
Góc bếp, khoảng sân đều gợi nhớ Tết xưa nghèo khó mà ấm áp tình thân. Thắp nén nhang lên bàn thờ gia tiên cho ngôi nhà thêm ấm và hy vọng khói nhang sẽ dọn sạch tâm hồn cho Tết nhà mình an vui.
Nhớ Tết xưa trong nhà luôn thơm mùi nhang trầm vì người dân quê tôi ngày giáp Tết cúng rước ông bà về cùng con cháu ba ngày xuân. Thấp thoáng đâu đó bóng dáng ba mẹ tôi cũng về vui cùng con cháu. Có lẽ nhờ vậy mà mỗi lần về nhà ai cũng cảm nhận được yêu thương ngày cũ vẫn còn đâu đây.
Anh em, con cháu tề tựu đông vui, lời thăm hỏi, câu chúc xuân rộn ràng cùng giọng trẻ nô đùa làm cho Tết quê thêm ấm lòng người đi xa trở về. Nhớ Tết xưa mẹ tôi lúc cùng con lo bữa cơm đầu năm, khi ngồi nhìn lũ cháu vui đùa mà ánh mắt già lấp lánh niềm vui.
Tết ngày nghèo đói không phong bao lì xì, chẳng tiền xanh, tiền đỏ mà niềm vui đổ tràn trong tiếng cười trẻ thơ.
Niềm vui Tết xưa nhuộm thắm ánh mắt người lớn khi nhìn đám con cháu quây quần trong ngày đầu năm. Tết quê muôn đời vẫn vậy, đơn giản, mộc mạc mà chân thành đến ngọt lịm yêu thương và đã trở thành khát khao về nhà của những đứa con xa quê mỗi lần Tết đến.
Tết nào anh em tôi cũng chuẩn bị mâm cơm đầu năm. Làng quê hôm nay tiện nghi đủ đầy nhưng chị em nhà tôi vẫn dùng bếp củi và cái nồi cũ để nấu. Trong suy nghĩ mỗi người, như vậy mới là bữa cơm quê truyền thống hay đó là cách để sống lại với Tết xưa khi ba mẹ vẫn còn vui cùng anh em chúng tôi?
Tết ngày xưa cả nhà được mẹ nấu cho bữa mì gà, có năm là mì Quảng cá lóc cũng từ bếp củi và cái nồi cháy đen đáy như hôm nay con cháu vẫn dùng.
Chái bếp mẹ nấu ngày xưa đen nhẻm bồ hóng, khói hun nhèm mắt, khói xuyên mái tranh lãng đãng trong nắng xuân để đến nay con cháu vẫn cố đi tìm hình ảnh ấy. Đó cũng là khát khao tìm kiếm mỗi lần về nhà của đứa con xa quê chăng?
Tết nay vẫn ấm đun nước cũ như ngày xưa ba tôi vẫn nấu. Bỏ nắm chè vào ấm, đặt lên bếp củi đun sôi. Mùi nước chè nhắc nhớ thú vui của ba ngày xưa, một ly nước chè và một điếu thuốc rê, ngồi nhìn con cháu vui chơi. Bấy nhiêu cũng đủ là niềm vui tuổi già.
Chỉ vậy thôi mà ngày Tết ba mới được tận hưởng trọn vẹn bởi một đời nông dân đâu được mấy phút hưởng nhàn? Cả một đời cơ cực, ba vắt kiệt sức mình cho anh em tôi những cái Tết ít dần thiếu thốn. Ấm nước chè hôm nay tỏa mùi thơm quen thuộc.
Mùi hương ấy đưa tôi về với ngày xưa ba đưa chúng tôi đi qua khốn khó mà chưa một ngày hưởng thụ cuộc sống khá đủ đầy như hôm nay. Chắc vì mùi hương nước chè ấy mà cái ấm cũ đã đen màu trên bếp củi vẫn được dùng thay ấm điện trong những ngày chúng tôi về nhà.
Mâm cơm đầu năm được dọn lên trước bàn thờ, vẫn những món quê dân dã và ly nước chè. Sau tuần nhang, anh em, con cháu chung bữa cơm đầu năm. Người lớn kể cho trẻ nhỏ về ngày xưa, về ông bà khi còn sống và những yêu thương còn hoài đến mai sau.
Không mâm, không bàn, chẳng khai vị, không tráng miệng, cứ có gì dùng nấy như người dân quê chất phác, thật thà.
Dọn ngay xuống nền nhà, mọi người dùng bữa cơm vui vẻ đầu năm. Đó là lúc gạt bỏ những bày biện hình thức, những mời chào sáo rỗng, gạt bỏ toan tính được mất, cân nhắc hơn thua… tất cả chỉ còn tiếng cười xòa vui vẻ vô tư.
Có đứa học rộng, biết nhiều, có người thành công về kinh tế… mà hình như ai cũng tin rằng ba mẹ vẫn nhìn thấy anh em, con cháu quây quần vui vẻ trong ngày tất cả được về nhà.
Năm nào cũng vậy, anh em chúng tôi mong được về nhà để sống lại những Tết xưa.
Cảm ơn hơn 430 bạn đã gửi bài Về nhà
Tính đến ngày 31-1, cuộc thi đã nhận được hơn 430 bài dự thi. Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.
BAN TỔ CHỨC
Về nhà hong nắng vàng ươm sân vườnKhi mưa xuân bắt đầu phây phất rây, theo kinh nghiệm dân gian, nhìn tiết trời má bảo: đây là "mưa gieo cải".
Cảm ơn hơn 430 bạn đã gửi bài Về nhà
Tính đến ngày 31-1, cuộc thi đã nhận được hơn 430 bài dự thi. Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.
BAN TỔ CHỨC
Về nhà hong nắng vàng ươm sân vườnKhi mưa xuân bắt đầu phây phất rây, theo kinh nghiệm dân gian, nhìn tiết trời má bảo: đây là "mưa gieo cải".
Cảm ơn hơn 430 bạn đã gửi bài Về nhà
Tính đến ngày 31-1, cuộc thi đã nhận được hơn 430 bài dự thi. Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.
BAN TỔ CHỨC
Khi mưa xuân bắt đầu phây phất rây, theo kinh nghiệm dân gian, nhìn tiết trời má bảo: đây là "mưa gieo cải".
Xem thêm: mth.66235628010203202-yad-uad-noc-nav-uc-yagn-gnouht-uey/nv.ertiout