Ông Riccardo Puliti, Phó chủ tịch khu vực châu Á và Thái Bình Dương. |
Theo đó, ông Puliti sẽ điều hành các hoạt động trong khu vực của IFC để thúc đẩy tăng trưởng của khu vực tư nhân và xác định những hoạt động hợp tác mang lại tác động mạnh mẽ đối với quá trình phục hồi kinh tế xanh, có khả năng chống chịu và toàn diện nhằm ứng phó với nhiều cuộc khủng hoảng và triển vọng kinh tế toàn cầu chưa khởi sắc.
Các nền kinh tế ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những gián đoạn do dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine và các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, cộng với giá lương thực và năng lượng tăng cao. Ngoài ra, tăng trưởng toàn cầu giảm và các hiện tượng thời tiết liên quan đến biến đổi khí hậu xảy ra thường xuyên hơn có nguy cơ làm giảm tốc độ tăng trưởng của khu vực, theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới công bố của Ngân hàng Thế giới.
Khi đảm nhận vai trò Phó chủ tịch khu vực châu Á và Thái Bình Dương, ông Puliti nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư của khu vực tư nhân trong bối cảnh dư địa tài chính hạn chế tại các quốc gia trong khu vực.
Ông Puliti cho biết, với nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều trở ngại trong năm nay, nhu cầu cấp thiết là phải tăng cường đầu tư tư nhân trong khu vực để tạo việc làm và tăng sản lượng. Với những chính sách phù hợp để thu hút và khuyến khích đầu tư mới, các quốc gia có thể khai thác nguồn vốn của khu vực tư nhân để giúp đáp ứng những nhu cầu đầu tư lớn mà còn thiếu vốn triển khai.
Cũng theo ông Puliti, thực tế là tăng trưởng đầu tư vào các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á và Thái Bình Dương – cũng như ở các quốc gia khác trên thế giới – vẫn dưới mức trung bình của hai thập kỷ qua. Cần đảo chiều xu hướng này vì lịch sử cho chúng ta thấy sự tăng trưởng đầu tư mạnh mẽ sẽ mang lại nhiều lợi tức.
"Điều này cũng rất quan trọng đối với các mục tiêu khí hậu và giúp thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, có khả năng tái tạo và với giá hợp lý, đồng thời nắm bắt mọi cơ hội mà cơ sở hạ tầng kỹ thuật số có thể mang lại cho người dân trong khu vực", ông Puliti nói.
Mang quốc tịch Ý, gần đây nhất ông Puliti giữ chức Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Cơ sở Hạ tầng, điều hành các hoạt động toàn cầu của ngân hàng nhằm xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiệu quả tại các thị trường mới nổi và đang phát triển.
Trước đó, ông Puliti từng là Giám đốc Khu vực phụ trách Cơ sở Hạ tầng tại châu Phi, và trước đó nữa là Giám đốc Toàn cầu phụ trách Năng lượng và Khai khoáng. Trước khi gia nhập Nhóm Ngân hàng Thế giới, ông Puliti là Giám đốc Điều hành tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu.
Ông Puliti chia sẻ, châu Á và Thái Bình Dương là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước các cú sốc khí hậu, điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động khẩn cấp để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của hàng tỷ người. Khu vực này cũng cần thu hẹp khoảng cách lớn về cơ sở hạ tầng trị giá cả nghìn tỷ USD vốn đang hạn chế khả năng tiếp cận của người dân đến các dịch vụ cơ bản. Bình đẳng giới, phát triển kỹ thuật số và huy động vốn cũng là những ưu tiên chính khi IFC tiếp tục nỗ lực tăng cường tài chính toàn diện, củng cố hệ thống y tế và mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ, vì đây là động cơ tăng trưởng trong khu vực và nguồn tạo việc làm chính.
Ông Puliti nhấn mạnh: “Thách thức rất lớn nhưng cơ hội cũng không kém phần sâu sắc. Đồng hành cùng nhau, chúng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động của IFC với khu vực tư nhân để thúc đẩy đầu tư, khuyến khích các dự án xanh và đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết ô nhiễm đại dương và biến đổi khí hậu, đồng thời tăng gấp đôi nỗ lực của chúng tôi để giúp người dân thoát khỏi đói nghèo”.
Ông Puliti có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của trường Instituto Superior de Estudios de la Empresa (IESE) và hoàn thành nghiên cứu sau đại học tại Trường Chính sách công Kennedy thuộc Đại học Harvard, và Trường Đại học Hoàng gia (Imperial College).