Đơn cử tại Techcombank, báo cáo tài chính quý IV/2022 cho thấy, chi phí hoạt động của Ngân hàng trong năm 2022 tăng 19,9% so với năm trước, đạt 13,4 nghìn tỷ đồng, với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 32,8%.
Đồng thời, nhờ chi phí dự phòng tiếp tục giảm 27,3%, xuống mức 1.900 tỷ đồng đến cuối 2022, nhờ việc hoàn nhập dự phòng một số chi phí đã trích trước cho các khoản vay tái cơ cấu do COVID-19 trong năm 2020-2021.
Chính nhờ hoạt động kinh doanh tích cực và tiết giảm được chi phí dự phòng nên lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Techcombank tăng trưởng 10%, đạt 25.6000 tỷ đồng năm qua.
Tại ACB, tổng thu nhập hoạt động năm 2022 của Ngân hàng đạt 28.357 tỷ đồng, tăng 25,7% so với năm 2021. Chi phí hoạt động cũng tăng 42,8% lên 11.262 tỷ đồng, trong đó, chi phí cho nhân viên tăng 20% lên 5.821 tỷ, chi cho hoạt động quản lý công vụ tăng tới 91% lên 3.226 tỷ đồng.
Như vậy, CIR (tỷ lệ chi phí/thu nhập hoạt động) tăng từ 35% lên 39,7%. Lãnh đạo ACB cho biết, chi phí tăng là do ngân hàng tiếp tục đầu tư mạnh về chuyển đổi số, công nghệ và con người.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ACB trong năm 2022 chỉ ở mức 73 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 3.320 tỷ đồng của năm 2021. Đây cũng là nguyên nhân chính giúp ACB ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận 50%. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của ACB đạt 17.021 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2021 và vượt kế hoạch cả năm (15.000 tỷ đồng).
Tại VIB, kết thúc năm 2022 ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 10.580 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với năm trước. Kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng tại VIB đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là ngân hàng bán lẻ.
Cụ thể, tổng doanh thu tăng trưởng 21%, tiếp tục cao hơn tỷ lệ tăng trưởng chi phí hoạt động 17%, góp phần giảm tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) của VIB xuống còn 34%, thuộc nhóm ngân hàng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí tốt nhất.
Nhưng lợi nhuận VIB tăng trưởng trong năm qua một phần nhờ dự phòng rủi ro giảm mạnh 22%. Riêng quý IV/2022, dự phòng rủi ro giảm đến 52% (từ mức trên 732 tỷ đồng xuống còn hơn 353 tỷ đồng).
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tính đến cuối năm 2022 tăng 22% so với đầu năm, chiếm 5,687 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,32% đầu năm lên 2,45%.
Trong khi đó, tại TPBank, năm 2022, chi phí dự phòng đã giảm 37%, xuống còn 1.884 tỷ đồng. Riêng trong quý IV, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng giảm đến 80% từ 560 tỷ xuống còn 115 tỷ đồng.
TPBank báo lợi nhuận trước thuế tăng 30% trong năm 2022, đạt gần 7.900 tỷ đồng nhờ gia tăng thu nhập phí và sự phục hồi của khách hàng được giãn nợ trong thời kỳ dịch bệnh nên dự phòng rủi ro giảm. Tuy nhiên, so với kế hoạch đại hội cổ đông thường niên 2022 đề ra, ngân hàng này vẫn chưa đạt kế hoạch lợi nhuận 8.200 tỷ đồng.
Còn với Eximbank, báo cáo tài chính quý IV/2022 ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm qua đạt 3.709 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2021. Phần lớn các mảng kinh doanh của Eximbank có lãi tích cực trong năm qua. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng tới 59% so với cùng kỳ, đạt 5.592 tỷ đồng.
Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 514 tỷ đồng, tăng 19%; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 54% lên 606 tỷ đồng. Đồng thời, lãi từ hoạt động khác tăng 68% lên 428 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là xử lý và thu hồi nợ. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kém khả quan hơn, đạt 87 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ.
Tổng thu nhập hoạt động của Eximbank đạt 7.233 tỷ đồng, tăng 53,6% so với năm trước. Chi phí hoạt động tăng 36% lên 3.420 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ CIR (chi phí/tổng thu nhập) có sự cải thiện đáng kể, giảm từ 53% xuống 47%.
Song nguyên nhân giúp Eximbank báo lãi đột biến trong năm nay là nhờ giảm chi phí dự phòng so với cùng kỳ, do những năm trước ngân hàng đã trích lập cao và chất lượng tài sản có xu hướng chuyển biến tốt hơn. Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro của Eximbank trong năm 2022 chỉ ở mức 103 tỷ đồng, giảm tới 90% so với cùng kỳ.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế Eximbank đạt 3.709 tỷ đồng, lãi ròng là 1.980 tỷ đồng. Như vậy, với mục tiêu đã được ĐHCĐ thường niên 2022 thông qua là lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng, năm 2022 Ngân hàng đã hoàn thành vượt kế hoạch.
Mới đây, BIDV cũng đã báo cáo tài chính quý IV/2022 với chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2022 đạt gần 23.058 tỷ đồng, tăng 70,2% so với năm 2021. Trong đó, lợi nhuận quý IV/2022 đạt 5.381 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ 2021.
Năm 2022, BIDV đặt mục tiêu đạt 20,600 tỷ đồng lãi trước thuế, như vậy Ngân hàng đã vượt 12% kế hoạch.
Lợi nhuận BIDV tăng trưởng mạnh trong năm 2022 một phần cũng nhờ việc cắt giảm 18,6% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, xuống còn gần 23.988 tỷ đồng (giảm 5.493 tỷ so với năm 2021); Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 215% lên gần 217%.