Sáng 1-2, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác chăm lo Tết Quý Mão và tình hình kinh tế - xã hội tháng 1, triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 2-2023.
Toàn cảnh hội nghị sáng 1-2. Ảnh: THANH TUYỀN |
Chủ tịch UBND TP tự nhận giảm bậc thi đua
Phát biểu tại đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, tình hình kinh tế- xã hội của TP trong tháng đầu năm 2023 vẫn chịu ảnh hưởng từ quý IV-2022.
"Những vệt dài khó khăn vẫn kéo đến tháng 1-2023 và có thể sẽ kéo đến tháng 2, tháng 3"- Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết và nói nếu ứng xử, nhận diện tốt thì tình hình mới có thể dịu đi, còn không sẽ tiếp tục khó khăn đến hết quý II.
Từ đó, ông yêu cầu cán bộ phải xốc vác vào việc, hành động ngay trong tháng 2 để rút ngắn đà suy giảm, đưa kinh tế TP sớm phục hồi trở lại trong quý II.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tự nhận giảm bậc thi đua vì kết quả giải ngân đầu tư công không đạt. Ảnh: THANH TUYỀN |
Ông Mãi một lần nữa nhắc đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công của TP trong năm 2022 vẫn đạt tỉ lệ thấp dù TP đã có nhiều giải pháp. Đến ngày hôm qua, tỉ lệ giải ngân chỉ mới đạt gần 70%. Vì vậy, ông cho rằng cần giải quyết ngay những khó khăn đã được chỉ rõ trước đó.
Người đứng đầu chính quyền TP cũng nêu ra những ban sử dụng nhiều vốn như Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban quản lý đường sắt đô thị..., một số địa phương, chủ đầu tư có tỉ lệ giải ngân 0 đồng.
Tôi, Giám đốc Sở KH&ĐT và phó giám đốc phụ trách lĩnh vực đầu tư công và các trưởng ban của các ban lớn, người đứng đầu các chủ đầu tư giải ngân 0 đồng thì không được xếp loại xuất sắc trong năm 2022. Tôi tự nhận giảm bậc thi đua.
Tôi cũng đề nghị toàn hệ thống phải nghiêm túc siết kỷ cương, kỷ luật về công tác đầu tư công.
Chủ tịch UBND TP.HCM PHAN VĂN MÃI
Để kinh tế TP sớm phục hồi, ông Mãi yêu cầu các cơ quan, sở ngành, địa phương phải quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công để tạo nguồn dẫn dắt cho đầu tư xã hội.
Đối với các dự án đã được phân bố vốn, ông Mãi đề nghị các chủ đầu tư đến cuối tháng 2 phải báo cáo lại UBND TP kế hoạch triển khai cụ thể để đảm bảo đến cuối năm sẽ giải ngân xong. Nếu TP nhận thấy không rõ sẽ điều vốn sang các dự án khác.
Với các dự án trong danh mục dự phòng, ông Mãi yêu cầu Sở KH&ĐT cùng các sở liên quan chuẩn bị kĩ hồ sơ để đến tháng 3, UBND TP sẽ đề nghị với HĐND phân bổ trong kì họp chuyên đề. Đồng thời tiếp tục vận hành ba tổ công tác về mặt bằng, về dự án vốn lớn và tổ ODA, thực hiện giao ban hàng tháng để kịp thời điều chỉnh vốn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn.
Ông Mãi nhìn nhận, đầu tư công sẽ dẫn dắt đầu tư xã hội nên bên cạnh việc tập trung giải ngân đạt chỉ tiêu 95% trở lên cần quan tâm đến giải pháp thu hút đầu tư ngoài ngân sách; tập trung nhiều cho giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết khó khăn ở các lĩnh vực quy hoạch, thủ tục đất đai, thủ tục đầu tư, xây dựng, thuế, ngân hàng…
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Điểm qua về tình hình kinh tế TP trong tháng đầu năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, cho biết hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của TP giảm so với cùng kỳ.
Về hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, TP ghi nhận nhiều nơi không có đơn hàng; đơn hàng từ thị trường thế giới giảm dần, gây ảnh hưởng đến công việc, thu nhập của lao động. Dự báo, tình trạng này có thể sẽ kéo dài đến giữa năm 2023. Cạnh đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng và số vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh đó, UBND TP.HCM đã xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm cho tháng 2. Về nguồn lực vốn, TP đặt trọng tâm giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò là "vốn mồi dẫn dắt đầu tư ngoài nhà nước" cho nền kinh tế vừa kích thích tiêu dùng, vừa kích thích đầu tư.
TP sẽ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cả phía cung và cầu; đẩy nhanh hình thành Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TP.HCM để thu hút nguồn lực đầu tư.
TP.HCM cũng sẽ nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động- việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từ đó cải thiện năng suất lao động; chú trọng thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực ngành y tế, giáo dục và du lịch.
Song song đó, thực hiện cải cách chế độ công vụ, đổi mới công tác tuyển dụng, quản lý; thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo, chịu trách nhiệm trong thực thi công vụ, nâng cao kỷ luật và kỷ cương hành chính.
TP.HCM cũng sẽ tăng cường đầu tư cho khoa học, công nghệ để trở thành động lực, là giải pháp đột phá chiến lược quan trọng nhất để TP phát triển nhanh, bền vững...
Thực hiện hiệu quả đề án xây dựng TP thông minh, chương trình chuyển đổi số, trong đó kinh tế số là một động lực quan trọng; chủ động cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Cụ thể về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của TP, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho hay tổng kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu cả nước ước đạt 3,6 tỉ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022; tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp trong tháng qua cửa khẩu cả nước ước đạt 4,3 tỉ USD, giảm 21% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tháng 1 giảm 15%, chỉ số tiêu thụ giảm 12,7% và chỉ số tồn kho tăng 6,6% so với cùng kỳ.
Chỉ số lao động trong các doanh nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,8% so với tháng trước; tăng 2,3% so với cùng kỳ là tín hiệu cho thấy khả năng lao động trở lại TP làm việc trong thời gian tới.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 5,7% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 7,8%; dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 61%; du lịch lữ hành tăng 98,7%; dịch vụ khác giảm 9,9%; trong đó hoạt động bất động sản giảm 14,6%.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, tổng mức bán lẻ doanh thu dịch vụ tại TP.HCM có tăng nhưng chưa như kỳ vọng. Thu ngân sách của TP.HCM trong tháng chỉ đạt khoảng 10,5% dự toán năm, giảm hơn 13% so với cùng kỳ.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu lệch pha cung cầu, thể hiện rõ sự phát triển thiếu bền vững.