Chị Huyền chia sẻ, gia đình có hộ khẩu tại Hà Nội từ năm 1991. Tháng 11/2021, chị sinh con, đã có giấy khai sinh và làm được bảo hiểm y tế suôn sẻ. Nhưng vấn đề bắt đầu từ tháng 5/2022, khi chị đi đăng ký thường trú cho con.
Công an phường yêu cầu chị nộp giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà (sổ đỏ hoặc hợp đồng thuê nhà). Song căn nhà chị ở hiện nay do một công ty quốc doanh cấp giấy phân phối từ nhiều năm trước cho mẹ chị, là cán bộ tại công ty, không có sổ đỏ hay giấy tờ gì. Công an phường do đó không làm thủ tục đăng ký thường trú cho con chị.
Chị Huyền tiếp tục tìm đến cấp công an quận và được yêu cầu xin giấy chứng nhận nhà ở không có tranh chấp. Quay về phường, Chủ tịch UBND phường từ chối ký giấy này, với lý do, từ năm 2019, Chủ tịch UBND cấp phường, xã không có chức năng ký giấy xác nhận này.
Chị Huyền lại tìm đến cơ quan quản lý nhà đất quận xin làm hợp đồng thuê nhà. Cán bộ tại đây trả lời không có quyết định của thành phố và bàn giao giữa hai cơ quan thì cá nhân không thể làm hợp đồng thuê nhà.
"Sau hơn 6 tháng, công an phường liên lạc và hướng dẫn làm giấy thuê nhà, tôi vẫn bị từ chối với lý do trên. Hiện con đã hơn một tuổi nhưng tôi vẫn không thể đăng ký thường trú", chị chia sẻ với VnExpress và cho hay, hiện khu vực chị có rất nhiều bé không thể đăng ký thường trú, với cùng lý do.
Chị nói "ai hướng dẫn gì đã làm theo hết", giờ không biết phải làm thế nào mới có thể đăng ký hộ khẩu cho con.
Giải đáp vấn đề của chị Huyền, luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội) cho hay khoản 1, Điều 21 Luật Cư trú và Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm các giấy tờ sau:
+ Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình bao gồm: Giấy khai sinh. Nếu trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú thì không cần cung cấp các giấy tờ trên
Trường hợp bố chồng hoặc mẹ chồng chị Huyền là chủ hộ, chị cần thêm các giấy tờ, tài liệu sau để chứng minh quan hệ nhân thân giữa cháu với ông, bà nội: Giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ với ông nội, bà nội; xác nhận của UBND cấp xã về mối quan hệ nhân thân.
Theo quan điểm của luật sư Bình, khi đi đăng ký thường trú cho con, chị Huyền sẽ không phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà, giấy chứng nhận nhà ở không có tranh chấp.
"Việc cán bộ công an phường yêu cầu các giấy tờ trên là không đúng với quy định và vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú quy định tại Điều 7 Luật Cư trú năm 2020, cụ thể là hành vi: Tự đặt ra giấy tờ, tài liệu trái với quy định của pháp luật", luật sư Bình nhận định.
Do đó, chị Huyền có thể làm đơn khiếu nại đến Trưởng Công an phường nơi công tác của cán bộ công an có vi vi phạm để khiếu nại hành vi trên và yêu cầu được giải quyết việc đăng ký thường trú cho con đúng với quy định của pháp luật hiện hành.
Hải Thư
Xem thêm: lmth.9905654-pac-oab-ioht-gnort-nahp-coud-ahn-hnim-gnuhc-ot-yaig-nac-oc-uahk-oh-pahn/ten.sserpxenv