Đài truyền hình nhà nước Myanmar MRTV cho biết Thống tướng Min Aung Hlaing là người đã yêu cầu kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng.
Tướng Min Aung Hlaing là lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi vào ngày 1-2-2021.
"Tình trạng khẩn cấp sẽ được kéo dài thêm 6 tháng nữa bắt đầu từ ngày 1-2", Quyền tổng thống Myint Swe cho biết. "Quyền lực tối cao của nhà nước sẽ một lần nữa được chuyển giao cho tổng tư lệnh".
Tình trạng khẩn cấp trước đây dự kiến kết thúc vào cuối tháng 1 nhưng ngày 31-1, Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia đã họp để thảo luận và kết luận Myanmar vẫn "chưa trở lại bình thường".
Tướng Min Aung Hlaing nói quân đội sẽ bảo vệ hiến pháp của đất nước và sẽ tổ chức bầu cử đa đảng dù chưa đưa ra mốc thời gian tổ chức bầu cử.
Theo Hãng tin AFP, Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lên nắm quyền và thực hiện các cuộc đàn áp, dẫn đến các cuộc giao tranh diễn ra khắp nơi và nền kinh tế bị suy yếu.
AFP ghi nhận đường phố Myanmar vắng tanh trong ngày đánh dấu tròn 2 năm đảo chính diễn ra, các cửa hàng thì đóng cửa im ỉm sau khi các nhà hoạt động kêu gọi người dân cả nước đóng cửa ở trong nhà.
Hầu hết các chuyến xe buýt trên những cung đường trong thành phố đều trống. Lực lượng an ninh xuất hiện dày đặc.
"Có một vài người đi bộ trong các khu vực lân cận nhưng hầu như không có hoạt động nào trên các con đường chính", một người dân không nêu tên ở thành phố Mandalay nói với Hãng tin AFP.
Đại sứ quán Mỹ tại thành phố Yangon đã cảnh báo về "hoạt động chống chế độ và bạo lực gia tăng" gần ngày 1-2.
Khoảng 400 người biểu tình tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Myanmar ở Bangkok (Thái Lan), cầm chân dung lãnh đạo bị lật đổ Suu Kyi và hô khẩu hiệu chống quân đội.
Sau nhiều phiên tòa, chính quyền quân sự Myanmar bỏ tù cựu lãnh đạo Suu Kyi tổng cộng 33 năm.
Mỹ và các nước Anh, Úc, Canada công bố một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Myanmar nhân kỷ niệm 2 năm chính biến ở nước này. Chính quyền Myanmar đang chuẩn bị bầu cử nhưng giới quan sát lo ngại có thể xảy ra đổ máu nhiều hơn.
Xem thêm: mth.44890601210203202-gnaht-6-meht-pac-nahk-gnart-hnit-iad-oek-ramnaym/nv.ertiout