Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, năm 2023 Bộ Giao thông vận tải đăng ký vốn 72.000 tỉ đồng cho các dự án giao thông. Tuy nhiên Chính phủ giao thêm cho bộ hơn 22.000 tỉ đồng.
Do vậy năm nay Bộ Giao thông vận tải phải giải ngân số vốn "khổng lồ" hơn 94.000 tỉ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022 và 2,2 lần năm 2021. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn và thách thức nếu tất cả các cơ quan đơn vị, cá nhân liên quan không thực sự nỗ lực, có giải pháp hiệu quả.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Bùi Quang Thái - vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải - cho biết năm 2022 bộ giải ngân được 52.969/55.051 tỉ đồng được giao, đạt 96,2% (tỉ lệ chung của cả nước khoảng 92,7%), gấp 1,3 lần giá trị giải ngân của năm 2021 (giải ngân 40.300 tỉ đồng, đạt 93,7%).
Với kế hoạch vốn được giao 94.161 tỉ đồng năm 2023, bộ đã giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đủ thủ tục 94.135 tỉ đồng (đạt 99,97%). Còn hơn 26,3 tỉ đồng kế hoạch được giao từ nguồn thu xử lý sắp xếp nhà đất cho các bộ, cơ quan trung ương do không có kế hoạch trung hạn nên chưa thể phân bổ chi tiết.
Để tiêu hết số vốn "khổng lồ" được giao, ông Lê Quyết Tiến - quyền cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng - cho biết năm 2023 dự kiến khởi công 24 dự án giao thông, hoàn thành 29 dự án gồm:
Tập trung hoàn thành 7 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020 (Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2) và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Đẩy nhanh tiến độ 2 dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vinh hoàn thành trong năm 2024 và 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Tập trung chỉ đạo thi công các dự án: cầu Rạch Miễu 2, tuyến tránh quốc lộ 1 thành phố Cà Mau; dự án mở rộng quốc lộ 1 qua tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang; 7 dự án sử dụng vốn ODA; 3 dự án đường sắt cấp bách và một số dự án giao cho các địa phương làm chủ đầu tư…
Thực hiện 4 nguyên tắc để giải ngân 8.000 tỉ đồng mỗi tháng
Nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân, 94.161 tỉ đồng năm 2023, bình quân mỗi tháng Bộ Giao thông vận tải phải "tiêu" 8.000 tỉ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu 4 nguyên tắc:
Thứ nhất, các dự án mới phải phấn đấu khởi công càng sớm càng tốt.
Thứ hai, công tác giải phóng mặt bằng dự án phải càng nhanh càng tốt. Các chủ đầu tư phải chủ động bám sát, phối hợp, hỗ trợ địa phương để hoàn thành giải phóng mặt bằng trong thời gian sớm nhất, đảm bảo sớm khởi công và tăng tốc thi công dự án.
Thứ ba, việc thi công phải nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Do năm nay ngành không thiếu tiền nên chủ đầu tư, ban quản lý dự án nào đẩy nhanh được tiến độ bao nhiêu sẽ được bố trí đủ tiền bấy nhiêu.
Thứ tư, các dự án giao thông trọng điểm như đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 có quy mô gói thầu lớn nên phải thực hiện theo phương châm "vừa chạy vừa xếp hàng", vừa thiết kế bản vẽ thi công, vừa thi công trên theo từng phần bản vẽ được duyệt… Tuy nhiên, các công việc thực hiện phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Ông Thắng yêu cầu các đơn vị liên quan bắt tay ngay vào việc, nhận diện những khó khăn, vướng mắc để chủ động xử lý.
Xử lý ngay nhà thầu vi phạm hợp đồng
Rút kinh nghiệm từ các dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 bị chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các ban quản lý dự án với vai trò chủ đầu tư phải chủ động, kiên quyết xử lý, thay thế các nhà thầu vi phạm hợp đồng. Những nhà thầu nào không đạt yêu cầu phải có chế tài và xử lý ngay…
Theo Bộ Giao thông vận tải, với các dự án đường cao tốc đã và đang đầu tư, đến năm 2026 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 554km đường cao tốc.