Thi công chậm thì bị phạt, vậy thi công vượt tiến độ thì sẽ được thưởng, tại sao không?
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định phát triển hạ tầng cơ sở là một trong ba đột phá chiến lược của kinh tế - xã hội (KT-XH). Trong chương trình phục hồi và phát triển KT-XH sau đại dịch được Chính phủ ban hành vào đầu năm 2022, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng được xác định là một trong những nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Có thể thấy tiến độ các công trình giao thông trọng điểm vốn đã đóng vai trò quan trọng, trong bối cảnh này càng quan trọng hơn.
Trong bất cứ hoạt động nào để đảm bảo hiệu quả thực hiện thì thưởng, phạt cần song hành với nhau. Vì vậy, trước khi bàn về vấn đề thưởng đối với các nhà thầu áp dụng giải pháp thi công vượt tiến độ, hãy xem lại cơ chế phạt đối với những trường hợp không đảm bảo tiến độ.
Đối với hợp đồng xây dựng của công trình có sử dụng vốn nhà nước, Luật Xây dựng 2014 quy định cụ thể về mức phạt vi phạm tối đa là 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Đối với hợp đồng xây dựng có sử dụng vốn tư nhân, theo Luật Thương mại 2005, mức phạt vi phạm tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
Việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với tiến độ thực hiện dự án cũng được thể hiện trên thực tế. Tại phiên họp thứ ba Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân chậm trễ triển khai dự án. Thực tế, từng có những lãnh đạo đơn vị bị cách chức, giáng chức vì không đảm bảo tiến độ công trình do mình chịu trách nhiệm.
Vì vậy, việc ban hành cơ chế chính thức về thưởng theo hợp đồng cho nhà thầu thi công vượt tiến độ là rất cần thiết. Phương án do Bộ KH&ĐT trình Chính phủ mới chỉ hướng tới các dự án giao thông trong chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Với tầm quan trọng của các công trình giao thông trong công cuộc phát triển đất nước, dư luận mong muốn quy định trên sớm được thông qua để triển khai trên thực tế. Cùng với đó, các quy định chi tiết nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong khâu triển khai cũng là đòi hỏi từ thực tiễn.
Đồng thời, cũng như việc mở rộng của cơ chế phạt, cơ chế thưởng không nên chỉ dừng lại ở chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, mà cần sớm được nhân rộng tới những công trình khác nhằm tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tiến độ, chất lượng, góp phần cải thiện rõ rệt KT-XH đất nước.