Cuộc chia tay ấy để lại không ít tiếc nuối và sau đó là biết bao suy nghĩ về hành trình tiếp theo không có ông.
Hành trình 5 năm với ông, dù rất hạnh phúc và có lẽ là 5 năm đẹp nhất trong đời của những người hâm mộ bóng đá Việt Nam, có thể được coi là một bước khởi đầu cho một hành trình đúng hướng cho sự phát triển chung.
Với ông Park, cái đói về mặt thành tích của đội tuyển đã hầu như được lấp đầy, những phương pháp huấn luyện tạo ra nền tảng của thành công đã có, giải V-League cũng đã được hưởng những tác động tích cực từ thành công của đội tuyển.
Nhưng giờ đây, thời "hậu" Park Hang Seo tạo ra một áp lực kinh khủng không chỉ cho người thay thế ông mà còn cho những người làm bóng đá chuyên nghiệp và cả thế hệ cầu thủ kế tiếp, khi thế hệ vàng hiện tại với những cái tên quốc dân đã ở đỉnh cao của sự nghiệp và theo quy luật, rất khó có thể tiếp tục duy trì thành tích đã có.
Cho đến lúc này, hầu như chắc chắn người thay thế ông Park sẽ là Philippe Troussier, người đã nhiều năm gắn bó với bóng đá trẻ Việt Nam và từng được giao nhiệm vụ đào tạo cầu thủ trẻ cho World Cup 2026, một mục tiêu dang dở.
Khác với ông Park khi đến Việt Nam là một con số 0 tròn trĩnh về thành tích và do đó chịu rất nhiều hoài nghi, ông Troussier là một tên tuổi lớn trong làng bóng đá thế giới.
Bổ nhiệm Troussier, nếu điều đó xảy ra, là một dấu hiệu cho thấy bóng đá Việt Nam sẽ tiếp tục đi trên con đường mà ông Park và chính ông Troussier đã vạch ra, là phát triển từ đào tạo trẻ, nhưng liệu có đạt được thành công như 5 năm đã qua hay không là một dấu hỏi rất lớn.
Điều đó lại đòi hỏi sự kiên nhẫn của người hâm mộ và VFF, thậm chí phải kiên nhẫn hơn cả thời kỳ của ông Park, vốn ngay lập tức đã thành công.
Đẳng cấp của ông Troussier đương nhiên không phải bàn cãi, nhưng thách thức đối với ông cũng rất lớn, mà thành tích chỉ là thách thức sau cùng.
5 năm với ông Park, chúng ta không còn gì mới mẻ với các đối thủ trong khu vực nữa. Đội tuyển sẽ có một tư duy chiến thuật mới, một đội hình cũng mới dựa trên những gì ông Park để lại, nhưng điều mà dư luận quan tâm nữa chính là những phản ứng của ông trong các hoàn cảnh cụ thể và đặc biệt trong và ngoài sân bóng, trong một môi trường bóng đá như Việt Nam, điều mà ông Park đã thực hiện rất ấn tượng 5 năm qua.
Nhưng còn một vấn đề dài hơi hơn được nêu ra thậm chí từ trước thời ông Park là một nền bóng đá không phải và không chỉ là đội tuyển quốc gia. Đó là câu chuyện của các hệ thống giải chuyên nghiệp, nhất là V-League, là sân chơi lớn hằng tuần mà ở đó, các cầu thủ thi đấu và thể hiện mình.
Sân chơi ấy, dù đã được coi là chuyên nghiệp đến nay đã trên 20 mùa, vẫn còn bộc lộ rất nhiều vấn đề lớn từ chuyên môn bóng đá, trọng tài cho đến cả các bất cập về tổ chức, khi mà thỉnh thoảng bóng vẫn phải ngừng lăn chỉ để cho đội tuyển trẻ thi đấu một giải quốc tế nào đó.
Và câu chuyện về tài chính để nuôi sống giải, cũng như khả năng sinh lợi rất thấp từ V-League cũng là đề tài nhức nhối, mà mới nhất là rắc rối xung quanh nhà tài trợ của HAGL.
Chẳng cần phải học Nhật Bản hay Hàn Quốc về phát triển các giải chuyên nghiệp, hãy nhìn sang Thái Lan để học.
V-League, cái nền của đội tuyển quốc gia, nếu bất ổn và phát triển không tốt chắc chắn sẽ không có lợi cho bất cứ ai.
Khoảng trống mà ông Park để lại rất lớn, không chỉ là hình ảnh cương nghị của chính ông mà chúng ta đã quá quen, mà còn là khoảng trống về niềm tin ở một hành trình mới, với một nhà cầm quân mới, và một thời kỳ mới đầy mông lung của cả nền bóng đá.
Hôm nay 31-1, hợp đồng của VFF với HLV Park Hang Seo kết thúc. Và ông Philippe Troussier có thể sẽ là người thay thế ông Park vào tháng 2 tới.
Xem thêm: mth.40311018020203202-oes-gnah-krap-uah-gnort-gnaohk/nv.ertiout