Hãng AP ngày 1-2 đưa tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định rằng nước này sẽ không phê chuẩn đơn gia nhập Tổ chức chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển chừng nào Stockholm còn để xảy ra các cuộc biểu tình xúc phạm kinh thánh của Hồi giáo.
“Thụy Điển, chừng nào bạn cho phép cuốn sách thánh của tôi, cuốn kinh Koran, bị đốt và xé nát, và bạn làm như vậy cùng với lực lượng an ninh của nước bạn thì chúng tôi sẽ nói không với đơn gia nhập NATO của bạn" - ông Erdogan nói.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: REUTERS |
Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển leo thang sau khi các cuộc biểu tình xảy ra ở thủ đô Stockholm vào tháng trước nhằm chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và phản đối Thụy Điển gia nhập NATO, bao gồm việc đốt một bản sao kinh Koran hay một hình nộm giống Tổng thống Erdogan bị treo ngược. Vụ việc đã cản trở quá trình gia nhập NATO của Thuỵ Điển, đặc biệt trong lúc nước này đang nỗ lực giành lấy sự ủng hộ của Ankara.
Vào ngày 31-1, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã lên án hành động của những người biểu tình, gọi họ là “những kẻ khờ khạo hữu ích” cho các thế lực nước ngoài muốn gây tổn hại cho Thụy Điển trong bối cảnh nước này tìm cách trở thành một phần của liên minh quân sự.
“Chúng tôi đã nhìn thấy các nhân tố nước ngoài, thậm chí cả các chủ thể nhà nước, đã lợi dụng những cuộc biểu tình này như thế nào để kích động tình hình theo cách có hại trực tiếp cho an ninh Thụy Điển” - ông Kristersson nói với phóng viên.
Vào tháng 5-2022, Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Để được trở thành thành viên chính thức, hai quốc gia Bắc Âu này cần sự phê duyệt của tất cả 30 nước thành viên NATO. Hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chưa phê chuẩn các đơn gia nhập NATO trên.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 1-2 cho biết Ankara có ít vấn đề hơn đối với việc Phần Lan trở thành thành viên NATO so với Thụy Điển. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng liên minh quân sự cần quyết định chỉ chấp nhận một quốc gia hay bộ đôi quốc gia Bắc Âu trên cùng gia nhập NATO, điều mà cả hai nước đều cam kết.
Tổng thống Erdogan cũng khẳng định nước này có quan điểm tích cực đối với đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và có thể chấp thuận nước này gia nhập liên minh trước Thụy Điển.
Tuy nhiên trước đó, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto tuyên bố nước này sẽ kiên trì kế hoạch gia nhập NATO cùng lúc với nước láng giềng Thụy Điển và hy vọng sẽ hoàn thành việc này trước tháng 7.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ hôm 31-1 ở thủ đô Budapest, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đề xuất chính phủ Thụy Điển nên "hành động khác đi” nếu muốn giành được sự ủng hộ của Ankara, đồng thời nhấn mạnh việc đốt kinh Koran tại một cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ là “không thể chấp nhận".