Báo cáo dịch tễ mà Báo Người Lao Động nhận được từ WHO sáng 2-2 đưa ra cách tính số ca COVID-19 toàn cầu mới, theo tháng thay vì theo tuần như các báo cáo trước. Trong dữ liệu mới nhất mà WHO thống kê được (tính từ ngày 2 đến 29-1), toàn thế giới có thêm 20 triệu ca COVID-19 trong tháng qua, nâng tổng số ca ghi nhận từ đầu đại dịch lên hơn 753 triệu.
Bản đồ tỉ lệ số ca mắc trên dân số với sắc độ càng đỏ thể hiện số ca càng nhiều, màu xanh lục hoặc tốt hơn là xanh dương thể hiện số ca đang giảm thấp - Ảnh: WHO
Số ca tử vong toàn cầu trong tháng qua tăng vọt 65% so với tháng trước, tận 114.372 ca, trong đó Tây Thái Bình Dương tăng tận 173% so với tháng trước với 76.354 ca.
Tây Thái Bình Dương cũng là khu vực dịch tễ "nóng nhất" khi chiếm tới 80% ca COVID-19 toàn cầu trong tháng qua, tiếp nối nhiều tháng "đầu bảng" trước đó với tỉ lệ thấp hơn khoảng 40-50%.
Châu Mỹ chiếm 12% số ca được báo cáo toàn cầu, châu Âu chiếm 7%, các khu vực dịch tễ khác bao gồm Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và châu Phi chiếm dưới 1%.
Tây Thái Bình Dương là một khu vực dịch tễ bao gồm một phần châu Á, châu Úc. Phân tích chi tiết về số ca "khủng" ở khu vực này cho thấy chủ yếu số ca cao vọt là do dữ liệu sốc từ phía Trung Quốc: Thêm hơn 11,3 triệu ca mắc mới và 62.759 ca tử vong chỉ trong 28/31 ngày của tháng 1 (tức không bao gồm số tử vong trong giai đoạn cao điểm trước là tháng 12 và 2 ngày đầu tháng 1).
Đứng thứ nhì cả về số ca mắc lẫn tử vong là Nhật bản với hơn 3,2 triệu ca mới và 10.022 ca tử vong chỉ trong tháng qua; đứng thứ ba về số ca mắc mới là Hàn Quốc (hơn 1 triệu ca); đứng thứ ba về số ca tử vong là Úc (1.633 ca).
Số liệu trên cũng khiến Trung Quốc, Nhật Bản và Úc sở hữu tỉ lệ tử vong trên dân số đáng lo ngại: lần lượt là 4,3; 8 và 6,4 ca/100.000 dân.
Tin tốt là bản đồ tỉ lệ ca mắc mới trên dân số gián tiếp phản ánh số liệu "khủng" nói trên chủ yếu đến từ giai đoạn đầu của chu kỳ dịch tễ và đã giảm nhiệt rõ rệt trong tuần lễ cuối cùng, phản ánh qua màu xanh lục.
Cũng thuộc khu vực này nhưng Việt Nam được đánh dấu lần lượt bằng màu xanh dương và màu vàng nhạt trên bản đồ tỉ lệ số ca mắc mới - tử vong mới trong tuần lễ từ 23 đến 29-1. Các sắc độ này thể hiện số ca mắc mới thấp (dưới 10 ca/100.000 dân) và giảm mạnh trong tuần trước; số ca tử vong cũng cực thấp trong tuần (dưới 0,5 ca/100.000 dân). Mức độ thấp này đã được giữ ổn định ở nước ta nhiều tháng qua.
Các biến chủng phổ biến nhất ở Tây Thái Bình Dương là BA.5.2 (30,1%), BF.7 (13,2%) và BQ.1.1 (8,5%). Trong khi đó BQ.1.1 là dòng thống trị ở Mỹ, châu Âu và châu Phi với tỉ lệ lần lượt là 37,5%, 31,3% và 23,7%; XBB.1 thống trị ở Đông Địa Trung Hải và Đông Nam Á với tỉ lệ 37,2% và 41,1%.
Xét chung toàn thế giới thì phổ biến nhất vẫn là BQ.1 và các hậu duệ bao gồm BQ.1.1 với tỉ lệ 46,9%.