Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Xuân Dũng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - nói: "Đến nay, gần như mọi khu vực kỹ thuật của cơ sở 2 đều đã được vận hành. Đây là sự nỗ lực rất lớn. Rõ ràng cơ sở mới thoải mái hơn rất nhiều, mang đến nhiều tiện ích cho cả người bệnh lẫn nhân viên y tế".
Khuyến khích khám ở cơ sở 2 tại TP Thủ Đức
*Quá tải luôn là vấn đề của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM nhiều năm qua, điều này khiến sự đáp ứng điều trị chưa đạt kỳ vọng….
- Đúng như thế. Hiện nay một ngày Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 (số 3 Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh) có khoảng 3.500 người đến thăm khám và có khoảng 800 bệnh nhân điều trị nội trú. Trong khi cơ sở này chỉ kê được khoảng 650 giường bệnh. Điều này không tránh khỏi việc bệnh nhân phải nằm ghép kéo dài, ảnh hưởng gián tiếp đến chất lượng điều trị.
Chưa kể với không gian khá chật chội, điều này cũng khiến quy trình vận hành gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, cơ sở vật chất tại đây cũng xuống cấp, rõ ràng không thể đảm đương được nhiệm vụ khám chữa bệnh ngày một tăng cao.
Trong bối cảnh ấy, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức) đi vào hoạt động là việc hết sức cấp bách và cần thiết. Mang lợi ích rất thiết thực cho cả người bệnh và cả nhân viên y tế.
*Việc sắp xếp cơ sở 1 xuống cơ sở 2 được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Từ tháng 10-2020 các khoa khám bệnh, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, nội soi, siêu âm, giải phẫu bệnh đã được chuyển xuống cơ sở 2. Kế đến tháng 6-2021 chuyển khối nội, tháng 6-2022 chuyển khối xạ và mới nhất ngày 16-1-2023 chuyển khối ngoại.
Gần như bệnh nhân nội trú đã được chuyển về cơ sở 2 điều trị. Có khoảng 60 - 70% bệnh nhân ở tỉnh đã đến đây thăm khám, điều trị.
Còn tại cơ sở 1 sẽ được chuyển đổi thành Trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao theo định hướng của Sở Y tế TP. Khu kỹ thuật cao (số 47 Nguyễn Huy Lượng, phường 14, quận Bình Thạnh) có 4 Phòng mổ, 2 phòng tiểu phẫu vẫn sẽ tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân có lịch hẹn, các bệnh viện xạ trị và người bệnh ở khu vực nội thành.
Để đáp ứng yêu cầu điều trị, chúng tôi khuyến khích người bệnh nên tới khám và điều trị tại cơ sở 2 ở TP Thủ Đức.
Giải quyết "điểm nghẽn" chờ mổ ra sao?
*Ngoài lượng bệnh khám đông, khâu phẫu thuật đang là "điểm nghẽn" khiến bệnh nhân phải chờ, thậm chí mất cơ hội "vàng" điều trị. Giải pháp của bệnh viện là gì, thưa ông?
- Đối với Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và đặc biệt trong lĩnh vực điều trị ung thư giai đoạn sớm thì phẫu thuật vẫn là mũi nhọn và phương pháp điều trị chủ lực.
Trước đây, cơ sở 1 có tất cả 14 phòng mổ và trung bình một ngày công suất mổ được khoảng 65 ca. Khi chuyển qua cơ sở 2 số phòng mổ sẽ được nâng từ 14 lên 20 phòng (trong đó có 4 phòng mổ vẫn đặt ở 47 Nguyễn Huy Lượng). Và dự kiến sẽ mổ được 92 ca/ngày, tăng gần 30%.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả này đòi hỏi bệnh viện phải bổ sung thêm nguồn nhân lực phẫu thuật, cũng như nhân lực vận hành các hệ thống máy móc, trang thiết bị. Việc tăng số lượng phòng mổ và nâng công suất mổ có ý nghĩa rất lớn với người bệnh, giúp họ giảm dần thời gian phải chờ đợi.
*Cụ thể thời gian này sẽ giảm ra sao, thưa ông?
- Nếu như lúc trước bệnh nhân phải chờ mổ khoảng 4 tuần, với tốc độ mổ như hiện nay tôi hi vọng sẽ kéo giảm thời gian chờ còn khoảng 3 tuần. Tất nhiên một số ca bệnh cần thiết phải mổ sớm vẫn phải sắp xếp lịch mổ ngay.
Có một điều cũng cần phải nói thêm là dù số phòng mổ tăng nhưng số bệnh nhân ung thư cần phẫu thuật hoặc xạ trị cũng tăng. Do đó, nếu chỉ phụ thuộc vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bệnh nhân vẫn đổ dồn về tuyến cuối như hiện nay sẽ khiến việc chờ đợi khó có thể được kéo giảm.
Để giải quyết căn cơ, tôi cho rằng các bệnh viện (trong đó có chúng tôi), cần tiếp tục thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện tuyến dưới đủ sức nâng cao chất lượng khám điều trị cho người bệnh, giúp hạn chế dồn bệnh, chờ đợi.
Phòng mổ... trong mơ
*Các bác sĩ trực tiếp phẫu thuật có cảm thán về hệ thống phòng mổ ở cơ sở 2 bằng hai từ "trong mơ". Ông nghĩ sao về điều này?
- Nếu so với hệ thống phòng mổ cũ tại cơ sở 1, quả thật phòng mổ tại cơ sở 2 vượt trội về nhiều mặt. Đầu tiên sẽ tăng độ an toàn cho người bệnh khi phòng mổ được áp dụng quy trình một chiều theo tiêu chuẩn quốc tế. Tất cả các phòng đều khá rộng, đều là áp lực dương giúp chống nhiễm khuẩn tốt hơn.
Đặc biệt phòng mổ có hệ thống điều khiển trung tâm giúp điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… Và với các thiết bị hiện đại giúp ekip phẫu thuật có thể chụp X-Quang ngay tại chỗ, chụp cản quang mạch máu (DSA) giúp phát triển thêm được các kỹ thuật mới.
Không chỉ vậy, phòng mổ này còn có hệ thống camera chất lượng cao truyền từ bên trong ra ngoài hỗ trợ giảng dạy học viên hoặc hội chẩn với các chuyên gia khi cần.
Tất nhiên để nâng cao chất lượng điều trị từng đó chưa đủ, nhưng so với thực tế hiện nay có thể nói là "trong mơ" cũng không sai.
*Với nguồn lực hiện có, ông sẽ có kế hoạch gì để tận dụng tối đa nguồn lực này?
- Phải nói rằng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 rất đồ sộ với nhiều hạng mục, cần phải có thời gian sắp xếp cho mọi hoạt động đi vào nề nếp. Thời gian tới, các mũi nhọn chúng tôi tập trung sẽ là kỹ thuật chẩn đoán, trong đó ưu tiên chẩn đoán công nghệ gene.
Song song đầu tư cho xạ trị, kỹ thuật ghép tủy được coi là "đỉnh cao" của nội khoa cũng sẽ được chú trọng và tôi kỳ vọng đây sẽ là nơi chăm sóc tập trung cho những bệnh nhân bị biến chứng suy tủy do hóa trị.
Ngoài ra, bệnh viện định hướng phải phẫu thuật bằng robot. Với một cơ ngơi như thế này, tôi cho rằng việc hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và phát triển chuyên môn kỹ thuật mới có thể đưa điều trị ung thư lên một trình độ mới….
Vai trò lịch sử
Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 được khánh thành ngày 12-10-2020 sau nhiều lần "lỗi hẹn" với mức đầu tư gần 6.000 tỉ đồng. Bệnh viện có quy mô 1.000 giường theo tiêu chuẩn quốc tế và rất nhiều máy móc hiện đại.
Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TP.HCM, bệnh viện đóng "vai trò lịch sử" khi được UBND TP.HCM và ngành y tế trưng dụng làm Bệnh viện hồi sức COVID-19 1.000 giường điều trị cứu sống nhiều bệnh nhân nặng (từ 12-7-2021 đến 18-3-2022).
TTO - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 được khánh thành ngày 12-10 với mức đầu tư 5.845 tỉ đồng. Bệnh viện có quy mô 1.000 giường theo tiêu chuẩn quốc tế và rất nhiều máy móc hiện đại nhất.