Ngoài các giấy tờ trên, văn phòng công chứng yêu cầu giấy khai sinh của tất cả các con. Bà cho rằng việc này hợp lý, song việc yêu cầu giấy chứng tử của cha mẹ là "không khả thi".
"Tôi từng này tuổi, bố mẹ tất nhiên đã mất, có người trước năm 1945. Thời đó sao có giấy chứng tử và nếu có thì cũng thất lạc do thời gian quá lâu?", bà Uyển, 97 tuổi, cho hay đã nói điều này với công chứng viên.
Nhưng bà được giải thích rằng điều đó là cần thiết để "tránh tranh chấp tài sản sau khi bà qua đời".
Gia đình bà muốn biết, phòng công chứng yêu cầu như vậy có hợp lý không? Bà có thể dùng giấy tờ gì thay thế giấy chứng tử của cha mẹ ruột và cha mẹ chồng trong trường hợp không thể xin các giấy chứng tử này?
Trả lời vấn đề trên, luật sư Nguyễn Đại Hải (Công ty luật TNHH Fanci) khẳng định, phòng công chứng yêu cầu như trên với bà Uyển là không đúng, do luật pháp không bắt buộc phải làm vậy.
Điều 624 Bộ luật Dân sự quy định, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Vì vậy, luật sư cho hay, bản thân bà Uyển chỉ cần chứng minh "có quyền đối với tài sản muốn lập di chúc".
Trong trường hợp này, tài sản là một căn nhà, thì giấy chứng nhận quyền sử dụng phải có họ tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh thư của bà Uyển. Vì vậy, Văn phòng công chứng yêu cầu cung cấp giấy chứng tử của bố mẹ ruột và bố mẹ chồng bà Uyển, kèm giấy khai sinh của các con là không đúng.
Luật sư liệt kê, các giấy tờ cần thiết để làm di chúc trong trường hợp của bà, gồm: giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, giấy tờ tuỳ thân của bà Uyển và của người được hưởng di sản theo di chúc, có thể thêm giấy chứng tử, văn bản thoả thuận phân chi di sản nếu căn chung cư này là tài sản chung của chồng bà.
Ngoài lập di chúc và công chứng tại văn phòng công chứng, bà Uyển có thể cân nhắc các hình thức khác mà không cần công chứng. Điều này được quy định tại Điều 627, 628, 629 của Bộ luật Dân sự 2015. Bà có thể tham khảo tại đây.
Luật sư cho hay đã có rất nhiều trường hợp dù di chúc đã được công chứng, chứng thực nhưng vẫn bị tuyên vô hiệu. Do đó, để các hình thức này của di chúc được công nhận là hợp pháp, khi lập di chúc, bà Uyển và gia đình cần lưu ý các điều kiện được quy định tại khoản 1, Điều 630 Bộ luật dân sự 2015: "Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép. Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật".
Ngoài ra, di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
Nếu di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực thì nó chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1, Điều 630 Bộ luật dân sự 2015, đã nêu ở trên.
Di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Hải Thư
Xem thêm: lmth.5583654-man-mart-ac-ad-tam-em-ob-auc-ut-gnuhc-yaig-uac-uey-ib-iv-ior-iob/ten.sserpxenv