Những ngày sau tết Nguyên đán, không khí tuyển dụng tại các công ty, khu công nghiệp ở TP.HCM và Bình Dương khá đìu hiu, thay vì không khí nhộn nhịp, săn đón người lao động dọc các trục đường như mọi năm.
Không còn cảnh “đón lõng” lao động
Khảo sát tại Khu công nghiệp Sóng Thần, Khu công nghiệp Bình Đường (Dĩ An, Bình Dương) và Khu chế xuất Linh Trung I &II (TP Thủ Đức, TP.HCM), PV ghi nhận tình hình tuyển dụng tại những nơi đây khá trầm lắng.
Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, sau tết TP ghi nhận có 499 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển thêm lao động trong quý I-2023, với số lao động là 14.379 người. Trong đó lĩnh vực may mặc, da giày 5.000 người, điện - điện tử 2.200 người, hóa nhựa 800 người, bán buôn có nhu cầu tuyển dụng với 1.000 người…
Nếu như những năm trước, hàng rào, cổng các công ty giày da, dệt may, điện tử đều trưng băng rôn tuyển vài trăm đến cả ngàn công nhân với đầy đủ thông tin về chế độ lương, bảo hiểm xã hội, phúc lợi, thưởng tháng 13… thì năm nay hầu như rất ít công ty treo bảng tuyển dụng. Lượng người đến tìm việc tại các khu công nghiệp cũng rất ít.
Lãnh đạo các công ty cho biết đơn hàng giảm từ hồi tháng 9 năm ngoái đến nay vẫn chưa phục hồi. Nhà máy đang hoạt động cầm chừng với số công nhân hiện có để duy trì sản xuất nên chưa thể mở rộng sản xuất, tuyển thêm lao động.
Tại Khu chế xuất Linh Trung I, hầu như năm nào Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam, chuyên sản xuất điện tử, cũng có đợt tuyển dụng vài trăm công nhân đầu năm để đẩy mạnh sản xuất. Năm nay, không khí “việc tìm người, người tìm việc” yên ắng hơn, Chủ tịch Công đoàn công ty Trần Thị Hồng Vân thông tin ngắn gọn công ty chưa có đợt tuyển dụng nào đầu năm.
Không khí trở lại làm việc đầu năm tại Khu chế xuất Linh Trung I (TP Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh: P.ĐIỀN |
Sát bên cạnh, Công ty TNHH SaiGon Precision có 100% vốn đầu tư Nhật Bản đang để biển thông tin tuyển dụng 500 công nhân nam, tuổi 18-40 với thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng gồm tiền lương, phụ cấp, tăng ca, làm đêm. Đây là công ty có mức thu nhập khá được nhiều công nhân nam ứng tuyển. Tuy nhiên, theo quan sát, thỉnh thoảng chỉ có vài người đến đọc thông tin tuyển dụng rồi rời đi.
Trong năm qua, doanh nghiệp ngành gỗ bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều nhà máy đóng cửa, lao động nghỉ việc khá nhiều, một số công ty còn hoạt động với quy mô thu hẹp. Công ty TNHH Minigold Việt Nam trong lĩnh vực này “mở hàng” bằng việc thông báo ngắn gọn tuyển gấp 100 công nhân nhưng vẫn vắng bóng người ứng tuyển.
Tuyển cầm chừng
Trao đổi với PV, ông Trần Văn An, Tổng giám đốc Công ty CP Mekong Herbals, chuyên sản xuất và chế biến hàng nông sản xuất khẩu, cho biết để duy trì mạch sản xuất, công ty tuyển khoảng 10 lao động để làm việc tại nhà máy ở Củ Chi, TP.HCM. Theo ông An, thay vì tuyển ồ ạt, công ty bước đầu tuyển những lao động có tay nghề, thạo việc thay vì tuyển tay ngang rồi đào tạo tiếp sẽ mất thời gian và chi phí. Theo đó, công nhân mới vào làm sẽ nhận mức lương tối thiểu 6 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca đều, mức thu nhập chạm 10 triệu đồng/tháng. “Nhu cầu đơn hàng từ các nước vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ nên hoạt động sản xuất vẫn chưa thể đẩy lên cao, tùy theo từng giai đoạn, chúng tôi có sự điều chỉnh tuyển nhân công phù hợp” - ông An chia sẻ.
Công ty TNHH SaiGon Precision vẫn để bảng thông báo tuyển dụng từ trước tết nhưng đìu hiu người đến xem. Ảnh: P.ĐIỀN |
Từ những tháng cuối năm 2022, nhờ đơn hàng cũ phục hồi nên ngay từ đầu năm, 100% công nhân Công ty TNHH Bao bì Tâm Dương (Khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai) đã bắt tay vào việc.
Ông Trần Quang Dũng, Giám đốc công ty, phấn khởi chia sẻ nhà máy có việc làm đều cho công nhân sau tết do có đơn hàng của năm ngoái. Đồng thời, đến giữa tháng 2, khi nguyên liệu sản xuất ổn định, thị trường phục hồi, công nhân sẽ có nhiều việc làm hơn.
Ông Dũng cho biết năm 2022, đơn hàng sụt giảm nhưng công ty vẫn duy trì mức thưởng tết cho công nhân, mức thưởng 1-2 tháng lương. Lãnh đạo công ty nhận định nhu cầu tuyển dụng đầu năm nay hạn chế, do đó lượng lao động nhảy việc sẽ không nhiều, thay vào đó họ sẽ ổn định bám việc để duy trì thu nhập đảm bảo cuộc sống. “Thực tế có tăng ca, thu nhập của người lao động mới cải thiện, do vậy công ty luôn tìm kiếm đơn hàng để người lao động luôn có việc làm thường xuyên” - ông Dũng nói.
Người lao động quan tâm đến môi trường, văn hóa doanh nghiệp
Đa số người tham gia khảo sát lựa chọn môi trường làm việc (11,21%), lương (10,55%) và văn hóa doanh nghiệp (9,56%) là ba yếu tố hàng đầu giữ chân người lao động làm việc ở công ty hiện tại. Sự ổn định của hoạt động kinh doanh xếp vị trí thứ tư trong danh sách với tỉ lệ 8,05%. Cơ chế làm việc linh hoạt chiếm 7,27%.
Ngoài ra còn có những yếu tố khác như: Danh tiếng của công ty, quản lý trực tiếp, sự thăng tiến trong công việc, sự minh bạch của doanh nghiệp, bảo hiểm y tế cá nhân cũng là những lý do mà người lao động gắn bó với công ty họ đang làm việc.
(Khảo sát của Navigos Group - tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam)