Nhưng mới nhất, TP.HCM có thêm một đơn vị đề nghị. Vì sao phải nuôi cấy vi rút SARS-CoV-2? Việc nuôi cấy có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của cộng đồng?
Hàng loạt xét nghiệm sẽ chuẩn xác
Tại buổi làm việc ngày 31-1 với Bộ Y tế về phòng chống dịch, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - kiến nghị với Bộ Y tế cho phép thành phố được nuôi cấy vi rút SARS-CoV-2.
Theo ông Châu, khi nuôi cấy vi rút SARS-CoV-2 việc đánh giá miễn dịch cộng đồng sẽ tốt hơn. Ví dụ mới đây, nghiên cứu đánh giá miễn dịch cộng đồng chủ yếu dựa vào nồng độ kháng thể, sử dụng một số kỹ thuật thay thế phản ứng trung hòa.
Nhưng phản ứng trung hòa là phản ứng chính xác nhất để đánh giá kháng thể bảo vệ. Để đảm bảo phản ứng trung hòa phải có vi rút sống trộn với huyết thanh. Nếu như kháng thể trong huyết thanh đủ bảo vệ thì sẽ ức chế vi rút.
TS Phạm Hùng Vân - chủ tịch Liên chi hội Vi sinh lâm sàng TP.HCM - cho rằng kiến nghị của Sở Y tế TP.HCM là hợp lý và không có gì nguy hiểm. Để đánh giá hiệu quả bảo vệ, bắt buộc tìm ra kháng thể chứa trong máu xem khả năng trung hòa vi rút có xâm nhiễm trong tế bào hay không.
Điều này chỉ có thể làm được khi nuôi cấy được vi rút đó, nếu không chúng ta chỉ làm được kháng thể giả trung hòa.
Người chích ngừa hay nhiễm bệnh ai cũng có kháng thể, tuy nhiên vi rút tiến hóa liên tục nên phải nuôi cấy để xem xét kháng thể có khả năng trung hòa với vi rút đang lưu hành không.
"Việc nuôi cấy này là cần thiết vì chúng ta có hệ thống phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III. Có dịch hay không thì việc nuôi cấy vi rút vẫn rất cần thiết, nên mở rộng thêm nhiều nơi để nuôi cấy", TS Hùng Vân cho hay.
Mức độ an toàn ra sao?
PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho biết việc nuôi cấy vi rút SARS-CoV-2 không gây nguy hiểm cộng đồng. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã có phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III, tiêu chuẩn của các phòng này rất cao và nghiêm ngặt.
"Bên cạnh việc nuôi cấy vi rút SARS-CoV-2, chúng ta nên phát triển thêm các kỹ thuật khác (Pseudovirus hoặc phân tích In-silico) có hiệu quả tương tự, ít tốn kém để đánh giá xem biến chủng mới có đề kháng với kháng thể hiện diện không", PGS Dũng cho hay.
Ông Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - cho biết việc nuôi cấy vi rút SARS-CoV-2 thành công sẽ giúp trả lời chính xác về nguồn gốc của vi rút, độc lực, cơ chế gây bệnh, tính sinh miễn dịch của vi rút.
Điều này là cần thiết để lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp, ngoài ra sẽ cung cấp các nguyên liệu để phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.
Cần tính toán kỹ
Theo TS Trần Minh Châu - phụ trách phòng lab vi sinh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - việc nuôi cấy, phân lập vi rút SARS-CoV-2 đòi hỏi phòng xét nghiệm an toàn, nhân lực chuyên môn cao.
Hiện nay hai cơ sở đầu ngành về nuôi cấy, phân lập vi rút là Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện Pasteur TP.HCM, những phòng xét nghiệm bình thường không đủ tiêu chuẩn để nuôi cấy, phân lập vi rút SARS-CoV-2.
TS Minh Châu cho rằng nếu phòng xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã có đủ điều kiện về cơ sở, đảm bảo an toàn và nhân lực thì có thể thực hiện nuôi cấy, phân lập vi rút SARS-CoV-2 để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.
"Tuy nhiên cần tính toán kỹ lưỡng về chi phí, nhân lực để không gây lãng phí. Việc có thêm đơn vị nuôi cấy, phân lập vi rút SARS-CoV-2 sẽ giúp bệnh viện có thể tự xét nghiệm, nghiên cứu mà không cần gửi sang các đơn vị khác để xét nghiệm", TS Châu nói.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đã "tạm lắng", số mắc mới liên tục giảm, việc có thêm một đơn vị nuôi cấy, phân lập vi rút SARS-CoV-2 có cần thiết không?
TS Châu cho rằng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn cảnh báo đại dịch COVID-19 chưa kết thúc. Vì vậy, việc có thêm một đơn vị nuôi cấy, phân lập vi rút SARS-CoV-2 sẽ giúp Việt Nam có thêm những nghiên cứu, dữ liệu phục vụ công tác phòng chống dịch.
Bộ Y tế nói về đề xuất của TP.HCM
Ông Phan Trọng Lân - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho hay đã nhận được công văn của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, kèm hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp III tại bệnh viện.
Tại báo cáo năm 2022 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới không thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2, chưa có quy trình thực hành liên quan đến hoạt động nuôi cấy, phân lập, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế TP.HCM cung cấp nội dung đề xuất cụ thể, tài liệu liên quan về nuôi cấy vi rút SARS-CoV-2 trong phòng xét nghiệm.
Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế TP chỉ đạo cung cấp, báo cáo việc thực hiện kiểm tra, thanh tra phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới theo quy định, phối hợp chặt chẽ với Viện Pasteur TP.HCM để thống nhất thực hiện theo quy định. (T.HIẾN - D.LIỄU)
Dưới 50 ca COVID-19/ngày chỉ là số thống kê
Thống kê từ 15-1 đến nay cho thấy ca mắc COVID-19 luôn dưới 50 (chỉ duy nhất ngày 30-1 có 53 ca), nhưng số này không chính xác so với thực tế.
Theo ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng - hiện nhiều người xét nghiệm dương tính nhưng không thông báo, hoặc dương tính nhưng tình trạng bệnh nhẹ không vào viện, vì thế số mắc thực tế có thể cao hơn thống kê.
Ông Phu cũng đánh giá dịp Tết đi lại, giao lưu nhiều nhưng đến nay chưa thấy có nguy cơ bùng phát dịch như cùng kỳ năm trước.
"Chúng ta vẫn kiểm soát được dịch do chủng hiện tại gây bệnh cảnh nhẹ, số người đã mắc và có miễn dịch đã nhiều" - ông Phu nhận xét. (HỒNG HÀ)
TTO - Siêu máy tính mà Thái Lan chi tới 17,8 triệu USD để mua sẽ hữu ích cho cả việc dự báo các thảm họa thiên nhiên và phân tích các biến thể của SARS-CoV-2, virus gây bệnh COVID-19.
Xem thêm: mth.52595712220203202-2-voc-sras-tur-iv-yac-ioun-nac-man-teiv-o-oas-iv/nv.ertiout