Cuối tháng 1/2023 đánh dấu thời điểm tròn 3 năm nước Anh chính thức chia tay "mái nhà chung" Liên minh châu Âu (EU). Đây cũng là 3 năm đầy thách thức với kinh tế xứ sương mù, khi có tới 2/3 người dân Anh được khảo sát cho rằng quá trình Brexit đã không được xử lý hiệu quả.
Với những người trong cuộc, 3 năm qua đã trôi đi một cách khá vất vả, bởi nước Anh đã vấp phải một loạt vấn đề vừa là khách quan vừa là hệ quả từ công cuộc Brexit. Tuy nhiên, Brexit vẫn là thực tế không thể đảo ngược và giới chức Anh đang nỗ lực tìm kiếm các hướng đi mới cho tương lai.
Trong mối quan hệ với EU, nước Anh đang tìm cách gắn kết trở lại với khối này dưới một hình thức mới. Tờ The Guardian trích lời một nguồn tin rằng các quan chức cấp cao trong Chính phủ Anh đang thảo luận về một mối quan hệ gần gũi với EU dựa trên mô hình của Thụy Sỹ. Nước này không phải là thành viên EU nhưng được quyền tiếp cận thị trường chung EU, ít chịu kiểm soát biên giới nhưng đổi lại phải đóng góp vào ngân sách của khối và chấp nhận một số luật lệ chung.
Đích thân Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng ủng hộ một cơ chế hợp tác kiểu mới với EU.
"Canada, Hàn Quốc và Nam Phi đều có giao dịch thương mại tự do với Liên minh châu Âu mà không cần từ bỏ quyền tự chủ của họ. Là một trong những khách hàng lớn nhất của châu Âu, tôi thấy không có lý do hợp lý nào khiến chúng ta không thể đạt được một thỏa thuận tương tự", Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết.
Brexit vẫn là thực tế không thể đảo ngược và giới chức Anh đang nỗ lực tìm kiếm các hướng đi mới cho tương lai. Ảnh minh họa. Ảnh minh họa - (Nguồn: Reuters)
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt cho rằng nước Anh nên coi Brexit là chất xúc tác cho tăng trưởng tương lai, tuy nhiên cần giải quyết các thách thức hiện nay trước.
Ông Jeremy Hunt - Bộ trưởng Tài chính Anh cho hay: "Chúng tôi muốn trở thành một quốc gia thịnh vượng hàng đầu tại châu Âu. Tuy nhiên, các cá nhân và doanh nghiệp chỉ sẵn sàng đầu tư kinh doanh trở lại trong một môi trường kinh tế và tài chính ổn định. Bởi vậy, chương trình "giảm thuế" tốt nhất của chúng ta hiện nay là phải khống chế được lạm phát".
Trước đây, các lãnh đạo nước Anh nhấn mạnh đến khía cạnh chủ quyền khi nói về Brexit như phải tuân thủ nhiều luật lệ của EU hay làn sóng di dân. Tuy nhiên bây giờ, lăng kính kinh tế lại là ưu tiên chính, khi Brexit không chỉ chặn dòng người nhập cư vào Anh, mà còn chặn luôn hàng hóa dịch vụ của Anh xuất sang thị trường chung EU, gây ra những tổn thất lớn cho nền kinh tế.
Tờ Independent cũng trích lời Bộ trưởng Hunt rằng, thay vì Bregret hay cảm giác nuối tiếc khi rời EU, có 4 điều nước Anh cần phải làm ngay để hướng tới tương lai đó là: Đầu tư cho giáo dục; Đạt thỏa thuận với EU trong về vấn đề người xin tị nạn; Tăng cường tiếp cận các sản phẩm động vật và thực phẩm của Vương quốc Anh vào thị trường EU; Đảm bảo các thỏa thuận về thị thực lao động theo ngành cụ thể và thiết lập sự công nhận lẫn nhau về trình độ chuyên môn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.39490841130203202-ua-uahc-gnuhc-ahn-iam-ior-man-3-uas-hna-et-hnik-gnov-neirt/et-hnik/nv.vtv