Giải phóng mặt bằng (GPMB) là một trong những khâu nan giải nhất trong quá trình thực hiện các dự án, nhưng đối với dự án cao tốc Nha Trang - Vân Phong, khối lượng GPMB không hề nhỏ và ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân nhưng trong quá trình thực hiện khâu này hầu như không vấp phải trở ngại nào đáng kể. Nguyên nhân ở đâu?
Giao đất làm đường trước nhận đền bù
Đến thời điểm này, dự án cao tốc đoạn Nha Trang - Vân Phong giai đoạn 2021-2025 đã chính thức khởi công vào ngày 1.1, đúng với tiến độ cam kết của chủ đầu tư với Chính phủ. Những ngày này, công nhân của nhà thầu đoạn khởi công dự án (đoạn đầu thuộc H.Diên Khánh) đang hối hả thi công dự án. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) nhận định, dự án khởi công đúng thời gian và thuận lợi ngay từ ngày đầu đến nay một phần không nhỏ do địa phương làm tốt công tác GPMB.
Để sớm đưa dự án cao tốc Nha Trang - Vân Phong khởi công, ngay từ tháng 6 năm ngoái, chính quyền 4 địa phương của tỉnh Khánh Hòa đã bắt tay ngay vào khâu GPMB – bởi đây là khâu nan giải nhất của các dự án xưa nay. Vì thế, các Ban chỉ đạo từ huyện, xã và cả cấp thôn đã bắt tay thực hiện các công việc theo chức năng nhiệm vụ ngay từ rất sớm, mục đích để tuyên truyền sâu rộng về dự án cho dân biết, dân hiểu, đóng góp ý kiến và hơn hết là dân đồng tình ủng hộ.
Tại TX.Ninh Hòa – vùng quê giàu truyền thống cách mạng của Khánh Hòa – nơi có gần 30 km đường cao tốc đi qua với khối lượng GPMB không nhỏ và ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân nơi đây. Tuy nhiên đến thời điểm này "đâu đã vào đó". Có mặt tại xã Ninh An, TX.Ninh Hòa, hầu hết các mốc lộ giới tuyến cao tốc đã được chính quyền các cấp phân định, ký bàn giao cho chủ đầu tư. Nhiều người dân vùng quê yên nơi đây giờ chỉ còn việc "nóng lòng" hóng dự án sớm triển khai, để bộ mặt nông thôn thêm diện mạo mới.
Ông Nguyễn Ngọc Châu (66 tuổi, thôn Gia Mỹ), cho biết từ khi có thông tin làm dự án cao tốc, chính quyền xã triển khai chủ trương làm đường đến người dân rất sớm. Không chỉ có các cuộc đối thoại trực tiếp với dân, mà thông qua các tổ tuyên truyền, vận động, người dân như chúng tôi đều nắm rõ được toàn bộ thông tin dự án. "Chúng tôi cũng hiểu đây là dự án trọng điểm quốc gia, đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân. Tuy nhiên, khi dự án đi qua cũng xáo trộn không nhỏ đến sinh kế nên dân cũng rất tâm tư, nhất là chính sách bồi thường, hỗ trợ và an sinh. Tuy nhiên, mọi thắc mắc của dân đều được giải đáp thỏa đáng ngay từ đầu nên chúng tôi đồng thuận cao và cùng nhau tự nguyện giao đất khi chưa nhận đền bù", ông Châu chia sẻ.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Thiện Nghiêm, Chủ tịch UBND xã Ninh An, cho biết sau khi có chủ trương làm đường cao tốc qua xã, nhiều cuộc họp dân, vận động dân đã được các cấp triển khai. Ninh An có hơn 3 km cao tốc đi qua, ảnh hưởng khá nhiều đến diện tích đất, tài sản của dân. Tuy nhiên, qua vận động, hầu hết dân đồng thuận và không có trở ngại lớn nào trong GPMB. Vì vậy, hiện đa số dân đã bàn giao mặt bằng để nhà thầu sẵn sàng thi công. "Chính quyền mong các khu tái định cư và những kiến nghị về vấn đề này sớm được các cấp giải quyết để những hộ dân có nhà, đất giải tỏa sớm có chỗ an sinh để họ tiếp tục bàn giao phần mặt bằng còn lại", ông Nghiêm kiến nghị.
Tại xã Ninh Sơn, TX.Ninh Hòa – vùng quê nép mình giữa bên là núi và bên là những thung lũng ruộng xanh mướt quanh năm. Dân nơi đây từ xưa đến nay lấy nông nghiệp làm kế sinh nhai chính, vì thế, mỗi khi có dự án lớn đi qua, đối diện với việc giải tỏa đất đai số lượng lớn nên ai cũng tâm tư cuộc sống sẽ ảnh hưởng đến họ như thế nào.
Gia đình ông Đặng Quý Học (thôn 1, Ninh Sơn) có 4.800 m2 đất sản xuất nông nghiệp (trồng lúa) và đã gắn bó mảnh ruộng đó từ xưa đến nay để mưu sinh, nuôi con cái ăn học. Nhưng khi dự án cao tốc đi qua, gia đình ông có 4.200 m2 đất phải bị thu hồi giải tỏa nên cũng không ít băn khoăn.
Ông Học tâm sự, đúng là ban đầu thấy đất bị thu hồi gần hết cũng lo về cái ăn, nhưng sau khi xem xét các phương án bồi thường, thấy Nhà nước không để mình thiệt, đền bù, hỗ trợ các khoản rất xứng đáng nên an tâm giao đất từ rất sớm. "Giờ tôi lấy số tiền đền bù hỗ trợ hơn 630 triệu đồng đầu tư vào mảnh vườn hiện có trong khuôn viên nhà theo hướng nông nghiệp công nghệ cao để sinh sống. Mình cũng phải thay đổi cách làm nông, và hơn hết là nay mai thấy trước ngõ nhà đường cao tốc sáng đèn xuyên đêm, ô tô nhộn nhịp khi giao thông thuận tiện hơn", ông Học bộc bạch.
Cách làm linh hoạt, không để dân thiệt thòi
Cùng cảnh với ông Học còn có nhiều người dân khác ở Ninh Sơn có đất bị giải tỏa, nhưng họ một lòng thuận theo chủ trương. Chia sẻ với Thanh Niên, ông Trần Văn Tình, một hộ dân có hơn 2.500 m2 đất trồng lúa bị giải tỏa làm đường, nói: Trước khi bàn chuyện dự án cao tốc, chính quyền đã không dưới 5 lần tiếp xúc tập trung với dân, giải đáp mọi thắc mắc về ảnh hưởng, chính sách hỗ trợ của dự án đối với sinh kế người dân. "Các buổi tiếp xúc cởi mở, thẳng thắn và hầu hết mọi thắc mắc của dân đều được giải đáp. Vậy nên, dân không chỉ đồng thuận giao đất mà còn đồng lòng giao rất sớm để chủ đầu tư cắm mốc giao cho nhà thầu thi công", ông Tình chia sẻ.
Ngày về Ninh Sơn, chúng tôi được chính quyền nơi đây thông tin, không phải 1 hoặc hai mà có rất nhiều hộ dân nơi đây sau khi nắm bắt về dự án, họ tự nguyện giao mặt bằng trước khi chính quyền triển khai các phương án đền bù cho dân. Ông Đào Trung Hải, Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn, thông tin: Dù địa phương chỉ có 2 km cao tốc đi qua với 75 hộ dân ảnh hưởng, so với nhiều nơi khác thì không nhiều nhưng dân Ninh Sơn bàn giao mặt bằng cho dự án rất sớm, và đa phần chưa nhận đền bù, thậm chí khi xã chưa có phương án đền bù hỗ trợ cuối cùng thì dân đã giao thực địa cho chính quyền cắm mốc, phóng tuyến.
Chia sẻ kinh nghiệm vận động dân trong việc giao đất sớm cho dự án, ông chủ tịch UBND xã Ninh Sơn chỉ cười và nói ngắn gọn: "Chẳng có "bí kíp" nào cả, mình giải đáp mọi lúc mọi nơi thắc mắc của dân nên dân hiểu, dân tin và đồng thuận".
Có vẻ lời vị chủ tịch xã này có phần hơi khiêm tốn khi nói về những "thành tích" trong công tác GPMB của địa phương! Bởi qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền nơi đây, cán bộ lãnh đạo xã Ninh Sơn cũng có cách làm rất hợp lòng dân. Ngoài việc thông tin đầy đủ cho toàn bộ người dân vùng dự án được nắm rõ, hiểu về ý nghĩa dự án thì điều dân quan tâm nhất đó là việc đền bù đất đai bị thu hồi như thế nào.
Trên thực tế, đất bị thu hồi làm dự án cao tốc Nha Trang - Vân Phong đoạn đi qua xã Ninh Sơn nói riêng và TX.Ninh Hòa phần lớn là đất nông nghiệp, nhưng không phải loại nào cũng trồng lúa nước, rau màu, các loại cây ngắn ngày giá trị thấp. Mà ở nhiều vùng như xã Ninh Sơn, còn có nhiều hộ dân đầu tư hàng trăm triệu đồng vào việc trồng các loại cây nông nghiệp khác có giá trị và suất đầu tư cao nên không thể đền bù theo kiểu "cào bằng", mà phải vận dụng linh hoạt các giải pháp bồi thường, với mục đích duy nhất là không để một hộ dân nào chịu thiệt trong các chính sách đền bù.
Chia sẻ kinh nghiệm việc này, một cán bộ địa chính xã Ninh Sơn, cho biết: Với các hộ trồng hành, tỏi (suất đầu tư cao), địa phương lập hồ sơ riêng, báo cáo cụ thể từng trường lên chính quyền các cấp. Nếu suất đền bù dưới 1 tỉ đồng, địa phương báo lên thị xã; còn cao hơn nữa thì thị xã sẽ báo tỉnh để có hướng giải quyết thấu đáo. "Cùng loại đất nông nghiệp nhưng cây trồng và giá trị trên đất rất khác nhau, vì thế, việc giải tỏa đất và tài sản của dân phải dựa vào thực tế tiền của dân đã đầu tư để có cách tính toán, giải pháp bồi thương sao cho dân không bị thiệt thòi. Để làm được vậy, cán bộ GPMB phải có trách nhiệm cao nhất", cán bộ này chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Minh Thư, Phó chủ tịch UBND TX.Ninh Hòa thông tin, sau khi có chủ trương thực hiện dự án cao tốc từ tháng 2.2022, thị xã đã lập Ban Chỉ đạo đưa các bí thư, chủ tịch xã, phường vào các ban và trực tiếp chỉ đạo việc này. Song với đó là thành lập Hội đồng bồi thường tài định cứ; yêu cầu mỗi tổ dân phố, thôn thành lập 1 tổ tuyên truyền dự án. Vì vậy, dân tiếp cận dự án trước khi dự án cắm mốc, phóng tuyến. "Các họp giao ban của Thị ủy và UBND thị xã, lãnh đạo luôn nhắc đến công tác GPMB. Do đó, việc này được thực hiện xuyên suốt, đồng bộ và cùng với yếu tố khách quan khác nên việc GPMB của thị xã đạt được kết quả cao", ông Thư chia sẻ thêm.
Để đất nước phát triển
Dự án đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang có điểm đầu tại Km285+000, vị trí nút giao đầu hầm Cổ Mã (địa phận xã Vạn Thọ, H.Vạn Ninh), điểm cuối tại Km368+000, vị trí giao với Quốc lộ 27C (thuộc xã Diên Thọ, H.Diên Khánh). Dự án đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang có điểm đầu tại Km285+000, vị trí nút giao đầu hầm Cổ Mã (địa phận xã Vạn Thọ, H.Vạn Ninh), điểm cuối tại Km368+000, vị trí giao với Quốc lộ 27C (thuộc xã Diên Thọ, H.Diên Khánh). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 11.808 tỉ đồng; tổng chiều dài dự án khoảng 83,35 km, đi qua 4 huyện, thị xã, gồm: Vạn Ninh (32,255 km), Ninh Hòa (28,982 km), Diên Khánh (14,88 km), Khánh Vĩnh (7,9 km). Dự án có tổng diện tích bị thu hồi trên 616 ha và khoảng 2601 hộ dân bị ảnh hưởng.ự án có tổng mức đầu tư khoảng 11.808 tỉ đồng; tổng chiều dài dự án khoảng 83,35 km, đi qua 4 huyện, thị xã, gồm: Vạn Ninh (32,255 km), Ninh Hòa (28,982 km), Diên Khánh (14,88 km), Khánh Vĩnh (7,9 km). Dự án có tổng diện tích bị thu hồi trên 616 ha và khoảng 2.601 hộ dân bị ảnh hưởng.
Không riêng gì TX.Ninh Hòa, tại H.Vạn Ninh, Diên Khánh hay Khánh Vĩnh – những địa phương có tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang đi qua hiện làm rất tốt công tác GPMB. Theo báo cáo của Sở GTVT Khánh Hòa, đến thời điểm này công tác GPMB của các địa phương có tuyến cao tốc Nha Trang - Vân Phong đi qua vượt tiến độ đề ra.
Ông Chu Văn An, Phó giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa, cho biết thời gian tới, các địa phương tập trung huy động toàn bộ lực lượng, tăng thời gian làm việc để đáp ứng các yêu cầu về khối lượng công việc, mốc thời gian và các công việc cần thiết tiếp theo đảm bảo bàn giao mặt bằng còn lại cho dự án theo đúng yêu cầu của Chính phủ. "Hiện đơn vị đã bàn giao cho chủ đầu tư gần 74% mặt bằng để thi công dự án và đơn vị đang tập trung cho công tác xây dựng 6 khu tái định cư để hoàn thành di dời các hộ dân trong diện giải tỏa để sớm hoàn thành công tác GPMB phần còn lại", ông An thông tin thêm.
Nói về câu chuyện GPMB dự án cao tốc Nha Trang - Vân Phong, vào thời điểm trước tháng 12.2022, có đến 70% người dân bàn giao mặt bằng cho chính quyền khi chưa nhận được tiền đền bù, hỗ trợ. Chia sẻ việc này, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền của các cấp nên dự án sớm nhận được đồng thuận cao của hàng ngàn hộ dân, đó là thành công lớn để sớm đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ Chính phủ giao.
Cũng theo ông Tuân, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai đồng bộ 4 dự án cao tốc lớn cùng lúc và sắp tới triển khai các dự án khu đô thị lớn tại KKT Vân Phong, Cam Lâm với khối lượng GPMB rất lớn. Kết quả từ việc GPMB như các dự án cao tốc Nha Trang - Vân Phong là kinh nghiệm bổ ích và tiền đề thuận lợi để GPMB các dự án trọng điểm khác. "Người dân sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để đất nước ngày càng phát triển, giao thông thông suốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng câu chuyện khi chưa nhận đền bù nhưng dân đã sẵn lòng giao đất cắm mốc làm đường, điều đó ý nghĩa, nhân văn vô cùng", Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ.