Ngày 2-2, Bộ Y tế Thái Lan đã ban hành một phân loại mới liên quan tàng trữ ma túy đá.
Theo đó, những người bị bắt quả tang đang mang dù chỉ một viên ma túy đá (hay còn gọi là "yaba" ở Thái Lan) cũng sẽ bị xem là kẻ buôn bán.
Hồi năm ngoái, bộ này từng định nghĩa buôn bán ma túy là những người tàng trữ hơn 15 viên ma túy đá. Ít hơn số lượng này được phân loại là người sử dụng ma túy đá.
Tuy nhiên chính quyền đã thay đổi quan điểm sau vụ một cựu cảnh sát giết chết 37 người, trong đó có 24 trẻ em, bằng dao và súng hồi tháng 10 năm ngoái. Người này trước đó đã bị đuổi khỏi ngành vì sử dụng ma túy.
Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul khẳng định quy định mới nhằm giải quyết những vấn đề xã hội do ma túy và ngăn chặn sự lan rộng của "yaba". Quy định này đang chờ nội các Thái Lan thông qua để chính thức áp dụng.
Hiện tại, những kẻ buôn bán ma túy ở Thái Lan phải đối mặt với án tù lên tới 15 năm hoặc từ 2 đến 20 năm nếu bị phát hiện bán cho trẻ vị thành niên. Song, những người bị bắt với số lượng nhỏ có thể tránh được án tù và được đưa đi cải tạo hoặc điều trị.
Các chuyên gia cho rằng cách tiếp cận mới có nguy cơ đảo ngược những cải cách được đưa ra vào năm 2021.
Khi đó Quốc hội Thái Lan đã thông qua dự luật ưu tiên phòng ngừa và điều trị hơn là trừng phạt những người sử dụng ma túy trong thời gian ngắn. Chính phủ Thái Lan cho biết luật này đã giúp giảm án tù cho gần 50.000 tù nhân.
"Các nhà tù vốn đã quá đông đúc sẽ vô cùng chật kín, sẽ không còn chỗ để giam giữ những người được phân loại là buôn bán ma túy (theo quy định mới)", ông Jeremy Douglas, người đứng đầu Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và tội phạm tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương, nêu quan ngại.
Cục Hải quan TP.HCM cho biết trong năm 2022, phát hiện tuyến vận chuyển ma túy mới, đó là cần sa xuất đi Nhật và ma túy đá nhập khẩu từ Mỹ với số lượng lớn.
Xem thêm: mth.21893451230203202-gnan-ut-tahp-ib-gnuc-nal-iaht-o-ad-yut-am-neiv-tom-gnam/nv.ertiout