Vụ tấn công của hãng bán khống Mỹ Hindenburg Research nhằm vào tập đoàn Adani Group của Ấn Độ hiện đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu. Bản báo cáo dài hơn 100 trang buộc tội tỷ phú Gautam Adani thổi giá cổ phiếu và gian lận kế toán đã khiến cổ phiếu và trái phiếu của một loạt công ty con lao dốc.
Tổng cộng đế chế của ông đã mất 108 tỷ USD chỉ trong 1 tuần, con số lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ. Thương vụ chào bán thêm cổ phiếu nhằm huy động 2,5 tỷ USD của Adani Enterprise bị hủy bỏ vì những diễn biến bất lợi. Thậm chí một số ngân hàng từ chối khách hàng sử dụng cổ phiếu "họ Adani" làm tài sản đảm bảo.
Từ vị trí giàu nhất châu Á và giàu thứ 2 thế giới trong năm ngoái với khối tài sản 147 tỷ USD, tỷ phú Adani đã mất 57 tỷ USD kể từ khi Hindenburg tung ra báo cáo.
Vụ việc thậm chí trở thành 1 vấn đề quốc gia khi các nhà làm luật làm gián đoạn buổi họp ở quốc hội và yêu cầu Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi phải trả lời câu hỏi về mối liên quan giữa lợi ích của tập đoàn Adani và kế hoạch tăng trưởng kinh tế quốc gia. Nhiều ngân hàng và cả những tỷ phú khác như Radhakishan Damani (người sáng lập chuỗi siêu thị rộng lớn ở Ấn Độ) cũng bị vạ lây.
Các cổ phiếu họ Adani bị bán tháo đã kéo chỉ số chứng khoán Ấn Độ sụt giảm đáng kể. Chỉ số MSCI Ấn Độ đã giảm khoảng 9% so với mức đỉnh tháng 12. Trong khi đó, 7 trong số 10 cổ phiếu hoạt động kém nhất trong Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương năm nay là các công ty có liên kết với tập đoàn Adani.
Nếu lật lại lịch sử, chắc hẳn sẽ không có ai ngạc nhiên khi nghe tin nhà sáng lập của quỹ đầu tư được đặt tên theo thảm họa Hindenburg đang tìm kiếm những cổ phiếu chắc chắn sẽ lao dốc và “bốc cháy”.
Người đi săn thảm họa
Được thành lập năm 2017 bởi Nathan Anderson, Hindenburg Research là hãng nghiên cứu chuyên phân tích cổ phiếu, trái phiếu và thị trường phái sinh. Trên website của mình, Hindenburg cho biết tôn chỉ của nó là tìm kiếm “những thảm họa nhân tạo”, như gian lận kế toán, giao dịch nội gián và những lỗ hổng trong quản trị doanh nghiệp.
Anderson lấy cảm hứng từ thảm họa năm 1937, khi khinh khí cầu mang tên Hindenburg dự định bay tới New Jersey nhưng lại bị bắt lửa và cháy rụi khi hạ cánh, khiến 35 người thiệt mạng.
Giống như thảm họa năm đó, Hindenburg bằng những báo cáo chi tiết sẽ khiến mục tiêu mà hãng nhắm đến phải lao đao, thậm chí phá sản. Sau khi cổ phiếu của công ty đó lao dốc, Hindenburg sẽ kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ nhờ bán khống.
Nathan Anderson tốt nghiệp ĐH Connecticut, chuyên ngành kinh doanh quốc tế. Sau khi tốt nghiệp, anh bắt đầu sự nghiệp trong ngành tài chính tại công ty dữ liệu FactSet Research Systems, nơi anh thường xuyên làm việc với các công ty quản lý đầu tư.
Tuy nhiên trong bài phỏng vấn với Wall Street Journal năm 2020, Anderson cho rằng đó là 1 công việc tẻ nhạt. Anh từng có 1 thời gian ngắn thử làm lái xe cấp cứu ở Israel – công việc mà anh chia sẻ trên LinkedIn là “giúp rèn luyện lối tư duy và hành động dưới áp lực cực lớn”.
Harry Markopolos, chuyên gia phân tích đầu tiên gióng hồi chuông cảnh báo về siêu lừa Bernie Madoff, chính là hình mẫu của Anderson.
Cú lừa tỷ đô của hãng xe điện
Cú đặt cược lớn nhất của Hindenburg diễn ra vào tháng 9/2020, với nạn nhân chính là hãng xe tải điện Nikola Corp. Theo Hindenburg, Nikola đã lừa gạt nhà đầu tư về những tiến bộ kỹ thuật mà hãng đạt được. Cuối cùng, tòa án Mỹ buộc tội nhà sáng lập Trevor Milton đã lừa đảo nhà đầu tư. Năm 2021, Nikola đồng ý trả 125 triệu USD để giàn xếp với Ủy ban chứng khoán Mỹ.
Sau khi niêm yết cổ phiếu vào tháng 6/2020, giá trị vốn hóa của Nikola tăng vọt lên mức 34 tỷ USD chỉ sau vài ngày, vượt cả Ford Motor. Giờ thì con số tụt xuống chỉ còn 1,34 tỷ USD.
Kể từ khi thành lập năm 2017, Hindenburg đã “bóc phốt” 19 công ty. Gần đây hơn, những “nạn nhân” của Hindenburg có thể kể đến startup xe điện Lordstown Motors và công ty cá cược thể thao DraftKings.
Cả 3 công ty này có 1 điểm chung: trở thành công ty niêm yết thông qua các vụ sáp nhập với những công ty séc trắng SPAC. Trong giai đoạn năm 2020 đến đầu năm 2021, trên phố Wall đã xuất hiện làn sóng các công ty chọn cách lên sàn thông qua SPAC thay vì quy trình IPO phức tạp như thông thường.
Tuy nhiên đó cũng chính là lý do mà Anderson không thích SPAC. “Nếu như 1 công ty có tình hình tài chính và triển vọng đủ tốt, họ sẽ niêm yết theo cách thông thường. SPAC chỉ là thứ thổi bùng lên làn sóng đầu cơ”, anh nói. Tìm kiếm những dấu hiệu của lừa đảo, rửa tiền và mô hình Ponzi chính là niềm đam mê của Anderson.
Hindenburg chỉ có 10 nhân viên toàn thời gian, chủ yếu là những người từng là nhà báo và chuyên gia phân tích . Hãng thường dành tới 3 đến 6 tháng nghiên cứu về 1 cổ phiếu trước khi công bố báo cáo về nó. Đối với những trường hợp đặc biệt hơn, Hindenburg thuê thêm tư vấn từ bên ngoài, đặc biệt là khi phân tích các cổ phiếu Trung Quốc.
Vì không có nhiều nhân lực, Anderson cho biết Hindenburg quyết định tập trung vào những công ty vốn hóa nhỏ và vừa thay vì cố gắng biến 1 cổ phiếu công nghệ có vốn hóa lớn hay những cổ phiếu tầm cỡ như Tesla trở thành mục tiêu bán khống.
Vì chính nghĩa hay chỉ đơn thuần là trục lợi?
Tuy nhiên, một số người lại buộc tội Hindenburg sử dụng các báo cáo nghiên cứu để trục lợi và trở thành “kền kền rỉa xác”. Tuy nhiên, nhìn lại 19 vụ mà công ty này từng phanh phui thì ngoài Nikola giảm 90%, các cổ phiếu khác thường chỉ giảm giá nhẹ hơn 10%. Adani Group chính là thương vụ lớn nhất. Tính đến nay, vốn hóa của các công ty con đã bị thổi bay hơn một nửa, tổng cộng giảm hơn 100 tỷ USD.
Kể cả những nhà bán khống nổi tiếng như Carson Block của Muddy Waters hay Bill Ackman cũng cho rằng số lợi nhuận thu được có thể không xứng đáng với những áp lực cao mà họ phải chịu đựng. Mới đây Ackman lên tiếng ủng hộ Hindenburg theo đuổi vụ Adani, nhưng năm ngoái ông đã thông báo chính thức từ bỏ bán khống.
Vạch trần gian lận là điều tốt cho thị trường nói chung. Nhưng điều đó không ngăn được đám mây hoài nghi bao quanh các nhà bán khống và mức độ tin cậy của họ.
Anderson từng thừa nhận rằng Hindenburg có hợp tác với “những nhà đầu tư bên ngoài” nhưng lại từ chối nêu rõ danh tính. Đối với một số người, mối quan hệ mập mờ như vậy sẽ gây xung đột lợi ích.
Có thể các nhà quản lý sẽ áp dụng cơ chế để buộc các công ty bán khống như Hindenburg phải minh bạch hơn. Nhưng từ nay đến lúc đó, Hindenburg sẽ tiếp tục “tìm kiếm những đốm lửa và thổi bùng thành đám cháy”.
Tham khảo The Economist, Reuters, CNN