Chị T.D (quận 6, TPHCM) sử dụng thẻ tín dụng ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) được vài năm. Ngày 10/7, ngân hàng thông báo chị D. thanh toán 48,9 triệu đồng và số tiền tối thiểu là 2,4 triệu đồng. Thay vì thanh toán số tiền tối thiểu, chị D. chọn dịch vụ đáo hạn “chui”. “Họ ứng tiền trả nợ vào thẻ của tôi 48,9 triệu đồng để ngân hàng xác nhận đã thanh toán, sau đó họ rút lại số tiền này. Tôi trả phí cho họ 2% (tương đương 978.000 đồng). Do không đủ tiền thanh toán tối thiểu, tôi chọn đáo hạn để thẻ không tính phí phạt, nợ xấu. Nhiều lần sử dụng dịch vụ này, nhưng đây là lần đầu tôi bị khóa thẻ. Tôi chưa biết tính sao” – chi D. lo lắng nói.
Nhiều chủ thẻ tín dụng bị khoá thẻ vì trót đáo hạn chui |
Tương tự, anh M.T (quận 3, TPHCM) sử dụng thẻ Citibank hạn mức 100 triệu đồng, VIB hạn mức 86 triệu đồng. Nhiều tháng qua, do bị mất thu nhập nên anh tìm tới dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Gần đây, thẻ của anh bị khoá.
Hiện rất nhiều dịch vụ đáo hạn “chui” quảng cáo các hình thức đáo hạn giúp thẻ không bị khóa. Một điểm dịch vụ trên đường Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM) – cho biết, do ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa thông báo truy soát thẻ, nếu chủ thẻ muốn đáo hạn không bị khoá phải nạp vào số tiền 20-30% hạn mức, sau đó dịch vụ sẽ rút lại số tiền đã nộp và đưa lại chủ thẻ.
Một điểm dịch vụ khác trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TPHCM) thì bày cách đáo hạn “chui” mà không bị khoá thẻ. “Nếu thẻ nào đã sử dụng 100% hạn mức thì dịch vụ sẽ chia tỉ lệ 70-20-10, trong đó đáo hạn 70%, chuyển đổi trả góp 20%, giữ lại 10% hạn mức trong thẻ. Bên dịch vụ có nhiều máy POS để chia nhỏ giao dịch, đa dạng ngành nghề như máy POS siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trường quốc tế, mầm non, giáo dục, trung tâm anh ngữ… nhằm “làm đẹp” lịch sử chi tiêu của khách” – nhân viên tại điểm dịch vụ này khoe.
Có dịch vụ còn quảng cáo dịch vụ đáo hạn bằng hình thức thanh toán tiền điện, cam kết thẻ không bị khoá, phí dịch vụ 1,6% thay vì 2% như các điểm khác.
Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, đáo hạn thẻ tín dụng là hình thức chủ thẻ vay tiền trả nợ thẻ tín dụng khi đến hạn thanh toán mà chưa đủ khả năng tài chính. Các điểm dịch vụ sẽ nạp tiền của họ vào thẻ của khách để thanh toán dư nợ tín dụng, sau đó họ sẽ quẹt thẻ máy POS để lấy lại tiền sau khi ngân hàng cấp lại hạn mức tín dụng cho chủ thẻ ở kỳ sao kê tiếp theo. Đây là dịch vụ không minh bạch, bị Ngân hàng Nhà nước cấm.
Nhiều điểm dịch vụ bày đủ cách cam kết đáo hạn nhưng thẻ không bị khoá. Ảnh: Thanh Hoa |
Việc đáo hạn này gây ra nhiều hệ luỵ. Nếu cứ giao dịch cùng một số tiền liên tiếp trong nhiều lần, ngân hàng sẽ nghi ngờ vì có hệ thống tra soát giao dịch. Nếu nghiêm trọng hơn, ngân hàng sẽ đánh dấu giao dịch khả nghi rồi phạt, sau nhiều lần sẽ khoá thẻ, có sự theo dõi sát sao với tài khoản thẻ đó. Uy tín của khách hàng bị ảnh hưởng xấu, gây khó khăn cho việc tiếp cận tín dụng, mở thẻ sau này. Đó là chưa kể, khi khách đáo hạn, điểm dịch vụ giữ lại CMND/CCCD và thẻ tín dụng, các thông tin này có thể bị lưu lại nhằm phục vụ mục đích xấu.
Thực tế theo ghi nhận của chúng tôi, không ít chủ thẻ vì đáo hạn dịch vụ “chui” mà thẻ bị cảnh báo nhiều lần, bị phạt 3% trên tổng hạn mức. Tổng số tiền mà khách sử dụng dịch vụ đáo hạn và phí phạt của ngân hàng là 5%, bằng cả số tiền tối thiểu mà khách cần trả cho ngân hàng (có ngân hàng quy định số tiền thanh toán tối thiểu hàng tháng là 3-5% trên tổng dư nợ).
“Thành ra khi sử dụng dịch vụ đáo hạn “chui” kéo theo số nợ thực tế mà khách phải trả sẽ tăng lên. Nếu khách sử dụng hết hạn mức thẻ và không đủ tiền thanh toán thì nên chuyển sang trả góp nhiều kỳ, có ngân hàng chấp nhận trả góp đến 36 tháng để chia nhỏ số tiền phải đóng. Đáo hạn thẻ tín dụng đang là “mồi nhử” cho khách đang không có khả năng trả thẻ, khách hàng nên chủ động điều chỉnh hành vi chi tiêu của mình để đảm bảo đủ khả năng chi trả hàng tháng” – chuyên gia Huỳnh Trung Minh khuyến cáo.
Thanh Hoa