Năm mới tới mà mùa cá chưa tới, người săn cá biết rõ điều đó nhưng họ vẫn dong thuyền ra sông như tổ tiên bao đời.
Không khí Tết vẫn xôn xao ở làng chài nhỏ Yên Duyệt (xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Đa số dân làng chài đã được chính quyền đưa lên bờ định cư, chỉ còn một hai gia đình nhỏ chưa kịp cấp đất, đang ở nhờ nhà ông bà những ngày Tết.
Trông vào con nước
Chỉ còn số ít người lớn tuổi vẫn giữ nghề cá mà vợ chồng ông Nguyễn Văn Thắng, bà Trương Thị Dường là một trong số đó.
Con gái đầu đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan, con trai út đang học cấp II trường làng. Hai vợ chồng dành toàn thời gian cho nghề chài lưới trên sông với gần 50 năm nối nghiệp cha ông.
Ngồi ở bờ sông, ông Thắng nhìn con nước sông hôm nay để quyết định đi thả lưới hay không.
"Nghề này phụ thuộc con nước, nước lớn thì dễ được cá hơn. Hôm nay thủy điện không xả, nước cạn, đáy sông trong vắt, cá đụng thuyền sẽ chạy biến rất nhanh", ông Thắng kể nắm rõ quy luật con nước như lòng bàn tay.
Người thợ săn cá truyền đời này cho biết thêm nước cạn, người dân thường chỉ đánh cá vào ban đêm. Từ Tết tới nay thời tiết không thuận, ban ngày có nắng nhưng ban đêm nhiệt độ hạ xuống 7-8 độ C, bà con ngại rét ít ai đi đánh đêm.
Thoáng thấy một chiếc thuyền cá lướt qua giữa sông, hai ông bà như cùng lên tiếng: "Chúng nó kéo bát quái đấy, đánh loại đấy thì con gì cũng chết, cá nhỏ to dính vào thì không thoát được", ông Thắng giải thích lưới bát quái đó được may theo hình ô vuông, lồng dài, vừa đi thuyền vừa cào dưới lòng sông, bất kể con cá nào chui vào thì không thể chui ra.
Bắt cá như thế chẳng khác nào tận diệt!
Biết ngày này đi thu hoạch sẽ chẳng được bao nhiêu nhưng nhớ thuyền, nhớ lưới, ông Thắng đi loanh quanh rồi chậm rãi xách theo một chai nước uống, một can nhựa cắt làm đôi dùng để tát nước đáy thuyền.
Ông gọi bà nhà theo cùng, bà lập tức đáp lời vui vẻ, tôi cũng được dẫn theo xuống thuyền bằng cây cầu khỉ bắc qua bè cá.
Chiếc thuyền đánh cá làm bằng vỏ sắt, có mái che, phía đuôi gắn máy. Ông Thắng kéo nổ máy, bà Dường phụ lái tay chèo cho thuyền chầm chậm ra sông một cách hào hứng như bao đời cha ông.
Những mẻ lưới
Chiếc thuyền xuôi dòng lướt nhanh, gió sông thổi thốc vào mặt buốt lạnh. Sông Mã đoạn giữa nguồn vẫn rộng dềnh dàng, nước xanh trong thấy rõ đáy, độ sâu chỉ hơn 1m, mùa này có thể lội qua được.
Ông Thắng ngồi ở mũi thuyền, vừa đánh lái vừa chú ý tìm điểm thả lưới. Bà Dường nhấc tấm lưới phơi trên mái vòm xuống, sẵn sàng cho mẻ lưới đầu tiên. Vợ chồng lúc này đổi vị trí, ông Thắng thả lưới, bà Dường chầm chậm đánh lái.
Lưới được thả ngang sông, hơi chếch xuôi dòng, chỉ họ biết thả cách nào để cá dính lưới. Mùa nước cạn, nước sâu phải có cách thả khác nhau. Ngày xả lũ thả ở góc nào để biết cá trú ngụ, tránh dòng nước xoáy.
"Mùa này chưa phải mùa cá, phải tháng 7 mưa lớn, nước sâu mới dễ bắt. Mùa này đi bữa có bữa không, bữa có thì ham chẳng muốn về", bà Dường trong lúc nghỉ chèo chờ cá dính lưới, tâm sự.
Ông Thắng dõi theo phao lưới, nếu có cá sẽ chuyển động, rồi kiễng chân để lộ hai gót chân nứt toác vì khô hanh. Bàn tay, da mặt bà Dường cũng nứt sợi chỉ vì nắng gió.
Ông nhấc mẻ lưới đầu tiên, ai cũng hồi hộp dõi theo từng cử động của tấm lưới. Nhưng 20m, 30m…, lưới kéo lên vẫn trắng tinh không một bóng cá.
Mẻ này thất bại, hai ông bà chưa nản, tiếp tục xuôi dòng tìm luồng cá mới. Mẻ thứ hai dính lưới vài con cá rô phi, không có cá ké, cá lăng, đặc sản sông Mã mà ngư dân chờ đợi.
Không hề nản, ông Thắng khoe hôm nước sâu có săn được con cá lăng to đến vài cân đang thả nuôi dưới bè. Bây giờ lâu lâu mới bắt được một con như vậy, trước đây nước sâu, những thợ săn truyền đời này bắt được cá vược, cá lăng mỗi ngày.
Sông giờ đã cạn nguồn cá
"Cá sông Mã không nhiều hơn các sông khác trong vùng nhưng ngon hơn, vì sông Mã là sông mẹ, rộng lớn hơn. Đi bán cá, ai cũng hỏi đúng cá sông Mã mới mua", bà Dường vui vẻ nói. Bà chỉ tiếc cá không còn nhiều và nhớ cảnh cá nặng lưới năm xưa!
Cả đời gắn với sông nước, ông Thắng lý giải nguyên nhân nguồn cá bị cạn kiệt: "Do thủy điện chặn dòng là một, do môi trường ô nhiễm, do tàu hút cát quấy phá đáy sông. Đặc biệt do nhiều người dùng kích điện, dùng lưới bát quái không trừ con gì nên nguồn cá lụi dần, khó mà hồi phục".
Hiện nay ở các làng chài dọc sông Mã mà ông Thắng có dịp ghé qua, phần lớn đã được định cư trên bờ, có nhà cửa ổn định. Và theo nhận định của những bậc lớn tuổi thì chỉ còn chưa đến 30% người dân vẫn gắn bó với nghề cá.
Lớp trẻ thì hầu hết chọn đi làm ăn xa. Gia đình ông Thắng có năm anh chị em, còn hai người gắn với nghề sông nước cha ông để lại.
"Nghề cá bây giờ làm để sống còn khó, để nuôi con ăn học càng khó hơn. Tôi làm việc tự do đã nhiều năm rồi, trong Tết làm ở Hưng Yên, ngoài Tết hai chú cháu vào Bình Dương kiếm việc" - anh Nguyễn Văn Tuấn, cháu ông Thắng, cho biết hôm nay gia đình liên hoan để ngày mai chú cháu vào Nam.
Ở xóm chài Eo Lê, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, tôi gặp nhiều người trẻ cũng đã rời quê, chỉ trở về ăn Tết rồi lại đi. Trên bến chỉ còn thưa thớt vài chiếc thuyền câu nhỏ bám ven bờ.
Anh Nguyễn Văn Dũng, 40 tuổi, sang nhà chị gái chơi, tâm sự đã bỏ nghề cá hơn chục năm nay.
"Thanh niên xóm này hiếm ai còn làm cá nữa, đa số đi làm thuê hết rồi. Tôi vài hôm nữa cũng ra Hà Nội làm thợ xây. Làm cá bây giờ chỉ còn người già, chị gái và ông bà già tôi giữ lấy nghề ông bà truyền lại", anh Dũng cho biết.
Và anh Dũng khoe bố mình đã 86 tuổi vẫn lặn hơn ba sải tay. "Nghề cá cũng có cái hay, người nào tài mới làm được. Như cụ Thường ở làng đây, 90 tuổi cũng mới thôi nghề".
Từng săn được cá lăng sông Mã nặng 15-20kg
Sông Mã, dòng trường giang dài hơn 500km chảy qua các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa và có khoảng 100km vắt qua nước Lào, rồi lại chảy về địa phận huyện Mường Lát, Thanh Hóa để xuôi dòng ra biển.
Suốt hàng trăm năm, dòng trường giang này từng đem lại sinh kế trên sông nước cho rất nhiều người dân cả lưu vực rộng lớn.
Ông Nguyễn Hùng Phong (63 tuổi, ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) kể: "Theo ông bà kể lại, gia đình tôi có ít nhất năm đời sống bằng nghề đánh bắt trên sông Mã. Nhà có ruộng nhưng dành cho phụ nữ cấy cày, còn đàn ông đều quăng lưới, thả câu trên sông".
Nhà ông Phong bên bờ sông Chu, dong thuyền ra sông Mã không xa. Người thợ săn truyền đời này kể thời trai trẻ từng lưới được những con cá lăng nặng "mười lăm, hai mươi cân béo mẫm như con lợn".
Nhiều chuyến ông cùng cha dong thuyền ngược lên thượng nguồn miền núi chỉ để lặn bắt cá chiên. Những con cá to như bắp đùi người lớn nằm trong hang đá và rất chậm chạp…
TTO - Dưới dòng nước cuồn cuộn đổ về lúc hồ Kẻ Gỗ, Hà Tĩnh xả tràn điều tiết lũ, nhiều người dân bất chấp nguy hiểm đánh bắt cá ngay dưới chân cửa xả.
Xem thêm: mth.38592640140203202-am-gnos-nert-iod-neyurt-ac-nas-oht/nv.ertiout