vĐồng tin tức tài chính 365

Bộ Tài chính từ chối là đầu mối quản lý giá xăng dầu

2023-02-04 18:29

Tại dự thảo tờ trình lần 1 về sửa đổi Nghị định 95/2021 kinh doanh xăng dầu, trong số các phương án đưa ra lựa chọn, Bộ Công Thương đề xuất giao Bộ Tài chính là đầu mối duy nhất quản lý giá xăng dầu.

Nhưng tới dự thảo lần 2, bộ này thay đổi quan điểm và đề nghị giữ nguyên cơ quan đầu mối quản lý xăng dầu như hiện tại, tức liên Bộ Công Thương - Tài chính cùng điều hành, trong đó Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì.

Tuy nhiên, tại văn bản góp ý gửi Bộ Công Thương ngày 3/2, Bộ Tài chính bảo lưu quan điểm nên giao đầu mối quản lý thống nhất về Bộ Công Thương. Theo đó Bộ Công Thương sẽ là cơ quan quản lý ngành, xác định giá, định mức chi phí (gồm tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở; điều hành và giám sát trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu). Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.

Bộ Tài chính lập luận, do Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước và chủ trì điều hành giá mặt hàng này. Nhưng hiện nay một số nhiệm vụ về điều hành giá xăng dầu lại được phân công cho Bộ Tài chính, như giám sát trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá, rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở... Việc này, theo Bộ Tài chính dẫn đến sự phân tán trong thực hiện, phát sinh quy trình và gây khó khăn cho cơ quan điều hành giá.

"Giá cơ sở xăng dầu là tổng hòa của các yếu tố hình thành giá, không chỉ đơn giản là việc quyết định tăng, giảm giá tại lúc điều hành", Bộ Tài chính cho biết.

Người dân TP HCM đổ xăng tại một cây xăng dầu trên xa lộ Hà Nội, TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Người dân đổ xăng tại một cây xăng dầu trên xa lộ Hà Nội, TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Mặt khác, Bộ Công Thương hiện là cơ quan quản lý, cấp phép các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối; hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu, cũng như bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Như vậy Bộ nắm được chi tiết tình hình sản xuất kinh doanh, hoạt động của các đơn vị; các chi phí cần thiết phát sinh để duy trì, phát triển hệ thống phân phối; tình hình cung cầu, diễn biến giá xăng dầu nguyên liệu và thành phẩm.

Do đó, việc giao thống nhất một cơ quan quản lý, điều hành về Bộ Công Thương sẽ tăng tính chủ động xác định và tính toán các yếu tố hình thành giá cơ sở, phương án điều hành trong những tình huống thiếu hụt, bất thường.

"Việc giao thống nhất về Bộ Công Thương sẽ giúp cơ quan chủ trì điều hành giá nắm bắt bản chất của các yếu tố hình thành giá cơ sở để điều hành phù hợp thực tế phát sinh, cũng như tăng cường giám sát chi phí của các thương nhân", Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Trước đó, đề xuất giao quản lý thống nhất về một cơ quan, cụ thể là Bộ Công Thương, cũng nhận được đồng tình từ giới chuyên gia, doanh nghiệp do phù hợp nội dung Luật Giá đang sửa đổi và thực tế kinh doanh xăng dầu mang đặc thù của kinh doanh thương mại.

"Xuất nhập khẩu, quản lý cung cầu thị trường, quan hệ mua bán với nhà máy lọc dầu trong nước, tổ chức bán lẻ... đều do Bộ Công Thương quản lý. Do đó, giao cho Bộ Công Thương là phù hợp", PGS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nêu.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương bỏ nhận định chủ quan, chưa chính xác nêu tại dự thảo tờ trình, rằng những bất ổn trên thị trường xăng dầu vừa qua có nguyên nhân từ các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở, khiến doanh nghiệp bị lỗ.

Theo cơ quan tài chính, giá trong nước phụ thuộc vào thế giới (60-80% tùy từng chủng loại trong công thức tính giá cơ sở) nên với những biến động đột biến của giá thế giới sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là tại kỳ điều hành giá giảm sâu so với giá nhập mua. Mặt khác, những biến động về cung cầu, cạnh tranh thị trường, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chính họ.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở được thực hiện theo đúng Nghị định 95, không ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam được rà soát, điều chỉnh 3 lần vào tháng 1, tháng 7 và 11/2022 theo kết quả tổng hợp rà soát báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Mức premium trong nước (khoản doanh nghiệp đầu mối phải trả cho các nhà cung cấp, coi như lợi nhuận của bên bán) và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng cũng được Bộ Tài chính điều chỉnh 2 lần theo thực tế báo cáo của đầu mối xăng dầu, vào tháng 1 và 10/2022.

Góp ý khác được Bộ Tài chính nêu là đề nghị Bộ Công Thương giảm bớt lượng khâu trung gian phân phối xăng dầu; quy định mức thù lao tối thiểu đại lý bán lẻ để họ hoạt động ổn định, tránh tình trạng kho có hàng mà không bán cho người dân vì cửa hàng lỗ.

Bộ Công Thương cũng cần nghiên cứu mỗi đại lý xăng dầu được mua hàng của các công ty phân phối khác nhau; có quy định về chất lượng xăng dầu sản xuất trong nước phù hợp với nhập khẩu để cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, công ty nhập xăng dầu không bị thiệt hại.

Hiện, Bộ Công Thương được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021. Tại dự thảo Nghị định sửa đổi đang lấy ý kiến, một số nội dung liên quan tới sửa công thức tính giá cơ sở, quy định về trích lập, chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu..., Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính soạn thảo.

Dẫn ra điều 90 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định chịu trách nhiệm trước Chính phủ về nội dung, chất lượng và tiến độ soạn thảo... nên Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương không phân công cơ quan này viết các nội dung trên.

Bộ này cũng đề nghị Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 xây dựng dự thảo và chịu trách nhiệm cuối cùng về nội dung, chất lượng dự thảo Nghị định.

Anh Minh

Xem thêm: lmth.4286654-uad-gnax-aig-yl-nauq-iom-uad-al-iohc-ut-hnihc-iat-ob/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bộ Tài chính từ chối là đầu mối quản lý giá xăng dầu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools