Liên tiếp xử phạt các cây xăng vi phạm
Thời điểm từ Tết Nguyên đán, một số cửa hàng xăng dầu đã đóng cửa, treo biển hết xăng, nhưng thực chất là găm hàng chờ đợi thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu, bị hoãn lại sau Tết, khiến người dân gặp nhiều bất tiện khi đi mua xăng.
Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, không xảy ra tình trạng thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, thành phố, Tổng cục Quản lý thị trường đã lập tổ công tác kiểm tra giám sát hoạt động mua bán xăng dầu, từ đó đã liên tiếp phát hiện và xử phạt những cây xăng vi phạm.
Theo đó, ngày 30/01/2023, Tổ công tác của Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường Phú Yên đã phát hiện Cửa hàng xăng dầu Hòa Mỹ Đông thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên đã ngừng bán hàng nhưng không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Tổng cục Quản lý thị trường đã liên tiếp phát hiện và xử phạt những cây xăng vi phạm.
Còn tại tỉnh Thái Bình, Đội Quản lý thị trường số 5 đã phát hiện Cửa hàng xăng dầu Nam Hải có dấu hiệu vi phạm về giá bán lẻ trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, cửa hàng này niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân phân phối xăng dầu quy định và thương nhân bán lẻ xăng dầu tại cơ sở không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Những đơn vị vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính mức thấp nhất từ 15 triệu đồng cho tới mức cao nhất là gần 40 triệu đồng.
Bộ Công Thương cũng vừa có quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của 6 doanh nghiệp. Đây là các doanh nghiệp được cấp giấy phép đủ điều kiện làm thương nhân phân phối trong giai đoạn 2018 - 2020 và hiện không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.
Quyết liệt các giải pháp quản lý thị trường xăng dầu
Hàng loạt các sai phạm đã bị phát hiện, xử lý, với các mức xử phạt này từ thấp nhất từ 15 triệu đồng cho tới mức cao nhất là gần 40 triệu đồng.
Để biết thêm các thông tin về các sai phạm đã bị xử phạt thời gian qua, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường.
PV: Qua các đợt kiểm tra đột xuất trong và ngay sau Tết Nguyên đán, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện các sai phạm điển hình như thế nào và đâu là các địa phương xảy ra tình trạng này?
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường: Có thể thấy, qua công tác kiểm tra, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra 2 đối tượng chính. Một là các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, ở một số địa phương ví dụ như Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, thậm chí ở Hà Giang và một số tỉnh vùng Tây Nam Bộ, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu có sai phạm, ví dụ như đóng cửa không bán hàng mà chưa được sự chấp thuận của cơ quan chủ quản, thậm chí có những trường hợp cá biệt tranh thủ nghỉ Tết ít người để ý, bán hàng cao hơn giá niêm yết.
Đối tượng thứ hai là thương nhân phân phối. Trong thời gian qua, qua công tác kiểm tra, xử phạt, chúng tôi đã xử phạt, thu hồi giấy phép của một số thương nhân phân phối xăng dầu không đáp ứng được điều kiện kinh doanh.
PV: Theo nhiều phản ánh, vẫn có tình trạng găm hàng chờ tăng giá. Vậy chúng ta đã xử lý như thế nào và chế tài mạnh tay ra sao, nhất là đối với các doanh nghiệp, thương nhân đầu mối tư nhân?
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường: Trong thời gian qua, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, tùy hình thức vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo quy định. Các cửa hàng đóng cửa mà chưa được sự chấp thuận bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng. Các thương nhân phân phối có thể bị đình chỉ giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, mức phạt chưa đủ sức răn đe, vì với tình hình hiện nay, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu có thể chấp nhận bị phạt và đóng cửa hoặc có hành vi gian lận thương mại. Vì vậy, trong thời gian tới, khi điều chỉnh, sửa đổi văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu cũng như chế tài xử phạt, chúng tôi sẽ kiến nghị phải tăng mức hình phạt để đủ sức răn đe.
PV: Sau Tết, những hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh của người dân được khôi phục trở lại, do vậy nhu cầu nhiên liệu lớn. Vậy Tổng cục Quản lý thị trường có biện pháp kiểm tra, giám sát đột xuất như thế nào để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho người dân?
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường: Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường được Bộ Công Thương chỉ đạo, tiến hành tranh tra nhiều thương nhân phân phối xăng dầu để nắm được tình hình thực tiễn trong hoạt động kinh doanh cung ứng xăng dầu. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục huy động lực lượng quản lý thị trường 24/7 để giám sát tất cả các loại hình kinh doanh xăng dầu, từ thương nhân đầu mối, 350 thương nhân phân phối và đặc biệt là 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước để đảm bảo cung ứng xăng dầu cho người dân.
VTV.vn - Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện một cửa hàng xăng dầu dùng giấy chứng nhận hết hạn tại Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!