vĐồng tin tức tài chính 365

Hành trình đưa đặc sản quê hương lên sàn thương mại của 3 chàng trai 9X

2023-02-05 15:31

Từ “review” trên fanpage… đến lập website CamLamOnline

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc kinh doanh ở Tp.HCM bị ảnh hưởng nên đầu năm 2021, anh Đặng Thế Truyền (SN 1991) quyết định đưa vợ con về quê ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa sinh sống.

Gia đình Truyền có quán cơm ở ngay quốc lộ nhưng chỉ kinh doanh theo kiểu truyền thống nên bị động trong việc tìm kiếm, tiếp cận khách hàng, đặc biệt là khách du lịch. Sẵn kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh quần áo trước đó, Truyền thành lập 3 nhóm Facebook: Địa điểm Cam Lâm, Tôi là dân Cam Lâm, Review du lịch Cam Ranh. Bản thân anh tự tìm đến các quán ăn, địa điểm thực hiện “review” với mục đích tạo một cộng đồng về các địa điểm ăn uống tại huyện Cam Lâm để khách du lịch cũng như dân địa phương biết.

Thấy Truyền nhiệt tình trong việc giới thiệu các địa điểm, nét đẹp ở địa phương nên anh Nguyễn Thành Hoàng (SN 1992) chủ động liên hệ và kết nối tìm điểm chung. Hoàng học quản trị nhà hàng khách sạn, có thời gian làm bếp tại các nhà hàng lớn ở Tp.Nha Trang và đang mở quán cà phê ở Cam Lâm.

Anh Truyền chia sẻ: “Trong khi các địa phương khác, việc review, giới thiệu các địa điểm ăn uống có rất nhiều trang để hướng dẫn khách du lịch thì ở Cam Lâm lại “vắng bóng”. Thế là mình và Hoàng bàn bạc rồi kết nối thêm với nhiều người khác nữa để thực hiện. Tuy nhiên, sau dịch, ai cũng có công việc riêng nên chỉ còn 2 đứa mình bám trụ”.

Tiêu dùng & Dư luận - Hành trình đưa đặc sản quê hương lên sàn thương mại của 3 chàng trai 9X

Những ngày đầu khởi nghiệp, 3 chàng trai 9X đã đem sản phẩm đi giới thiệu tại các chương trình, hội chợ.

Việc review, check-in các địa điểm vẫn được thực hiện đều đặn với các bài viết. Thế nhưng, cả hai hiểu rằng mình đang sử dụng nền tảng của các ứng dụng nên việc bị thu hồi, lấy lại tài khoản là điều không thể tránh khỏi. Do đó, 2 anh muốn xây dựng một nền tảng website và tiến tới xây dựng ứng dụng (app) riêng để việc giới thiệu các địa điểm, đặc sản được bền vững hơn. Sau đó, cả hai gặp anh Nguyễn Thanh Phong (SN 1991), hiện đang sống ở Tp.Nha Trang. Phong đang làm ở sân bay với chuyên ngành công nghệ thông tin.

Sau những ngày bàn tính kỹ lưỡng, cả nhóm quyết định lập website. Tháng 1/2022, trang web được đưa vào hoạt động với tên gọi Camlamonline.com. “Mục đích chính khi thành lập website là có nơi để giới thiệu các địa điểm về ăn uống, làm đẹp, mua sắm, du lịch, nét đẹp, đặc sản… của huyện Cam Lâm. Khi người dân và du khách muốn tìm kiếm thông tin cần thiết thì trên website đều có các bài viết, hình ảnh do chính nhóm Media team của tụi mình thực hiện”, anh Phong chia sẻ.

Xây dựng truyền thông trước, bán sản phẩm sau

“Những ngày đầu, nhóm thực hiện trao giá trị bằng việc review, check-in về các địa điểm miễn phí cho người bán cũng như du khách trên cả facebook và website. Việc này giúp kết nối các địa điểm, gian hàng tạo ra một cộng đồng online trao đổi bền vững và phát triển”, anh Truyền cho hay.

Từ những hình ảnh bình dị nhất về ẩm thực, văn hóa, đời sống thường ngày của người dân địa phương đến các điểm “check-in” độc đáo, điểm du lịch nổi tiếng đều được đăng tải lên camlamonline.com. Theo thời gian, nội dung ngày càng phong phú, đa dạng hơn, hình ảnh đẹp mắt hơn giúp người dân, du khách dễ dàng tìm kiếm địa điểm khi đến với Cam Lâm.

Tiêu dùng & Dư luận - Hành trình đưa đặc sản quê hương lên sàn thương mại của 3 chàng trai 9X (Hình 2).

Trong không gian quán cơm của gia đình, anh Đặng Thế Truyền dành một không gian bày bán sản phẩm xoài sấy muối ớt.

Để có kinh phí duy trì và hoạt động, nhóm bắt đầu suy nghĩ đến việc bán sản phẩm trên chính cộng đồng online mà mình đã tạo dựng được. Tiêu chí đưa ra là sản phẩm phải đặc trưng, khô, dễ dàng vận chuyển để khách du lịch mang đi xa được. Tình cờ Hoàng phát hiện ra sản phẩm xoài sấy được làm ra từ chính nông sản của huyện Cam Lâm. Bằng kinh nghiệm trong trong lĩnh vực ẩm thực của mình, Hoàng bắt đầu thực hiện theo công thức riêng tạo ra sản phẩm xoài sấy để bán. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của 1 công nhân ở xưởng sản xuất, cả nhóm cho ra đời “Xoài sấy muối ớt” vừa ngon vừa lạ miệng và trở thành sản phẩm đặc trưng cho đến hiện nay.

Thấy người dân địa phương không chú trọng trong việc làm thương hiệu cho sản phẩm, nhóm lại lần nữa quyết tâm thiết kế logo, đăng ký nhãn hiệu, bao bì, mẫu mã… để tạo dấu ấn với người tiêu dùng. Từ đó, nâng cao giá trị, đẩy mạnh thương hiệu cho các sản phẩm xoài của huyện Cam Lâm.

“Lần đầu tiên ra mắt sản phẩm xoài sấy muối ớt tại hội chợ ở Cam Lâm, nhóm mình giới thiệu cho người dân địa phương nhưng không được chấp nhận. Họ còn bảo sẽ không thử sản phẩm từ xoài vì xoài đã quá quen thuộc ở đây. Nhưng chính vì vậy, nhóm mình càng quyết tâm thử sức để người dân phải mở lòng với chính nông sản của địa phương”, anh Truyền kể lại khó khăn ngày đầu lập nghiệp.

Tiêu dùng & Dư luận - Hành trình đưa đặc sản quê hương lên sàn thương mại của 3 chàng trai 9X (Hình 3).

Đẩy mạnh giá trị thương hiệu cho trái xoài Cam Lâm là điều các bạn trẻ của CamLamOnline hướng đến.

Sau đó, hễ có bất cứ hội chợ hay cơ hội quảng bá sản phẩm nào ở các địa phương trong và ngoài tỉnh là nhóm đều “khăn gói” mang sản phẩm đi giới thiệu. Từ những góp ý về độ cay, độ mặn của khách hàng, cả nhóm dần hoàn thiện sản phẩm “Xoài sấy muối ớt” như hiện nay. Vượt qua những khó khăn của ngày đầu khởi nghiệp, giờ đây, sản phẩm này đã được thị trường đón nhận nhiệt tình. Thành công đó, còn nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều từ các đoàn thể, chính quyền địa phương tại huyện Cam Lâm.

Ứng dụng thương mại điện tử để… bán nông sản địa phương

Sinh ra và lớn lên ở xứ xoài Cam Lâm, cả ba chàng trai 9X đều luôn đau đáu với mong muốn giúp bà con nông dân phát huy giá trị nông sản địa phương, đặc biệt là trái xoài Cam Lâm.

Để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình, nhóm giới thiệu đến cộng đồng online đã xây dựng trước đó. Các sản phẩm được thông tin trên tất cả các trang, hội nhóm và website, nhờ đó lượt tương tác, mua hàng và biết đến xoài sấy muối ớt ngày càng rộng rãi. Cùng với đó, cả nhóm còn đưa sản phẩm lên nhiều sàn thương mại điện tử như Postmart, Tiki, Lazada, Shopee… giúp lượt tiếp cận đến khách hàng tốt hơn. Ngoài ra, nhóm còn xây dựng và phát triển các điểm bán hàng, các đại lý tại huyện Cam Lâm, Tp.Nha Trang và cả Tp.HCM.

Tiêu dùng & Dư luận - Hành trình đưa đặc sản quê hương lên sàn thương mại của 3 chàng trai 9X (Hình 4).

Các bạn trẻ của CamLamOnline đã ứng dụng thương mại điện tử để bán sản phẩm giúp lượt tiếp cận đến khách hàng tốt hơn.

Sau khi nhóm thành công với sản phẩm xoài sấy muối ớt, nhiều người dân tại địa phương cũng đã làm theo và tạo thương hiệu riêng cho mình. Điều đó khiến cả nhóm rất vui. “Quan điểm của nhóm mình là “buôn có bạn, bán có phường”. Hình ảnh về xoài Cam Lâm càng phát triển mạnh, càng nhiều người làm thì địa phương sẽ thu hút được khách du lịch và sản phẩm đó trở thành sản phẩm ai cũng biết tới. Từ đó, tạo được một sinh kế bền vững cho người dân và cũng là để nâng cao chất lượng sản phẩm của địa phương”, anh Truyền chia sẻ.

Lúc đầu, nhóm bán sản phẩm chỉ với mong muốn có kinh phí để duy trì hoạt động, nhưng sau này trở thành một “làn gió mới” cho đầu ra của nông sản tại đây. Trái xoài để làm xoài sấy không cần mẫu mã đẹp nên người nông dân có thể bán được tất cả số xoài thu hoạch. Hơn nữa, xoài Cam Lâm thơm và dẻo nên sản phẩm chế biến ra được người tiêu dùng đánh giá.

Hiện nay, nhóm sử dụng xoài Tứ quý và xoài Úc để làm xoài sấy muối ớt, với tỉ lệ 1/4 (cứ 4 tấn xoài tươi sẽ được khoảng 1 tấn sản phẩm sấy). Với vùng nguyên liệu xoài sẵn có ngay tại huyện, nhóm Truyền đã thực hiện thu mua và trữ kho lạnh để sản xuất dần đủ xoay vòng khi đến mùa xoài tiếp theo. Đến nay, mỗi tháng, cả nhóm bán ra từ 1-1,5 tấn xoài sấy dẻo với doanh thu khoảng 200 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, nhóm còn tạo ra các sản phẩm mới như trà xoài, kem xoài, chè khúc bạch xoài, xôi xoài, pudding xoài…. Ngoài việc nâng cao giá trị của trái xoài, nhóm còn xây dựng một showroom nhằm kết nối với các tour du lịch, du khách ở resort đến thưởng thức các món ăn từ xoài cũng như giới thiệu ẩm thực, nét đẹp của Cam Lâm. Cả nhóm còn nung nấu sẽ xây dựng mô hình du lịch sinh thái dưới tán cây xoài. Du khách không chỉ ngồi trong vườn xoài xanh mát, được hái trái ăn, mà còn có thể thưởng thức nhiều món ngon từ xoài, các món ăn ở Cam Lâm.

Tiêu dùng & Dư luận - Hành trình đưa đặc sản quê hương lên sàn thương mại của 3 chàng trai 9X (Hình 5).

Sản phẩm xoài sấy muối ớt được làm ra từ chính nông sản đặc trưng của huyện Cam Lâm.

Nhờ thành công với sản phẩm xoài sấy muối ớt, nhóm đã giúp xưởng sản xuất có thêm việc làm cho gần 30 lao động với mức lương từ 4,5-8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, nhóm cũng tạo việc làm cho khoảng 6 nhân viên làm thương mại dịch vụ với mức lương từ 5,5-6 triệu đồng/người/tháng.

Bằng việc lấy giá trị cộng đồng làm chủ lực, cả nhóm đã mở ra con đường mới để phát triển các sản phẩm từ nông sản của địa phương. Không chỉ làm giàu từ chính loại trái cây đặc trưng của huyện mà còn góp phần nâng tầm tên gọi Cam Lâm trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Tiêu dùng & Dư luận - Hành trình đưa đặc sản quê hương lên sàn thương mại của 3 chàng trai 9X (Hình 6).

Gian hàng giới thiệu đặc sản của  thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ.

Tiêu dùng & Dư luận - Hành trình đưa đặc sản quê hương lên sàn thương mại của 3 chàng trai 9X (Hình 7).

Ngoài bán hàng qua kênh thương mại điện tử, sản phẩm xoài sấy muối ớt còn được các bạn trẻ giới thiệu tại nhiều hội chợ nông sản, hàng hóa trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa.

Tiêu dùng & Dư luận - Hành trình đưa đặc sản quê hương lên sàn thương mại của 3 chàng trai 9X (Hình 8).

Không chỉ bán hàng, nhóm còn trang bị các thiết bị cần thiết để chụp ảnh, viết bài giới thiệu các địa điểm, nét đẹp của quê hương Cam Lâm đến du khách gần xa.

Anh Trần Nhất Luân, Bí thư huyện đoàn Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa cho biết mô hình khởi nghiệp của nhóm bạn trẻ Camlamonline là một trong những mô hình đột phá, đi đầu gắn liền với phát triển giá trị nông sản tiêu biểu của địa phương. Trái xoài được các bạn thực hiện ban đầu với sản phẩm xoài sấy, sau đó phát triển lên thành xoài sấy muối ớt – một sản phẩm khác biệt so với những nơi khác. Bên cạnh đó, các bạn còn thực hiện giới thiệu, quảng bá các địa điểm du lịch của huyện đến với người dân, du khách bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, kết nối với các điểm du lịch, resort đưa du khách tham quan các cảnh đẹp, điểm văn hóa ở địa phương… “Chúng tôi đánh giá cao sự mạnh dạn, dám nghĩ dám thực hiện của các bạn trong nhóm Camlamonline. Không chỉ có sự nghiên cứu đầu tư mà các bạn còn áp dụng khá thành công công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Đây vừa là mô hình thanh niên khởi nghiệp, đồng thời cũng là mô hình điểm để các bạn đoàn viên thanh niên khác học tập, phát triển các lĩnh vực khác trên địa bàn huyện”, anh Luân đánh giá. Cùng đồng hành với các bạn trong quá trình khởi nghiệp, huyện đoàn Cam Lâm đã hỗ trợ vốn vay; kết nối với các đơn vị để các bạn tham gia các hội chợ, các hoạt động quảng bá sản phẩm…

 

Châu Tường

Xem thêm: lmth.489985a-iart-gnahc-3-auc-iam-gnouht-nas-nel-gnouh-euq-nas-cad-aud-hnirt-hnah/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hành trình đưa đặc sản quê hương lên sàn thương mại của 3 chàng trai 9X”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools