Sáng 5-2, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết 26 ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề "Liên kết - Phát triển nhanh và bền vững - Đột phá từ biển".
Đề xuất "gỡ vướng" cho toàn vùng
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết để triển khai nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 168 ngày 29-12-2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết 26.
Chương trình hành động đề ra tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trọng tâm và 34 nhiệm vụ cụ thể, 11 dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.
Tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng một cách đồng bộ, hiện đại gắn với các cảng biển, sân bay, khu đô thị, khu kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu xoay quanh bốn từ "an cư lạc nghiệp" với kỳ vọng người dân trong vùng sẽ sống bình an trước thiên nhiên khắc nghiệt, có sinh kế gắn với kinh tế biển, với rừng, với nghề nông một cách bền vững.
Ông Hồ Quốc Dũng - bí thư Tỉnh ủy Bình Định - đề nghị Chính phủ sớm hoàn thành quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và có hỗ trợ cho 14 tỉnh, thành trong vùng có giải pháp đột phá hơn bằng cách hình thành các tiểu vùng theo hướng đa trung tâm.
Ông Dũng cũng đề nghị cần làm nhanh đường cao tốc Bắc - Nam, xây dựng các cao tốc Đông - Tây nối miền Trung với Tây Nguyên, nâng cấp và bổ sung thêm sân bay quốc tế để mở cửa hội nhập quốc tế.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Trần Du Lịch đề nghị để 14 tỉnh trong vùng bứt phá, về thể chế, cần mở rộng cơ chế, phân cấp, phân quyền, tăng tự chủ địa phương, còn các bộ ngành tập trung ba việc: nắm bắt quy hoạch, ban hành quyết định một cách minh bạch, triển khai giám sát sai phạm.
Đột phá hơn nữa
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng nước ta đặt ra ba đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và cải cách hành chính - hạ tầng.
"Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phải tìm cách để đột phá trong đột phá nhằm phát triển nhanh nhất, bền vững nhất" - ông đề nghị.
THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH
Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để toàn vùng phát triển đột phá trong thời gian tới.
Trước hết, yêu cầu các bộ, ngành và 14 địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ.
Tiếp đó là tập trung hoàn thiện thể chế, quy hoạch vùng và chính sách liên kết vùng. Rà soát, hoàn thiện quy định pháp lý, cơ chế, chính sách liên kết vùng đồng bộ, nhất quán, hiệu quả.
Làm tốt công tác quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Hình thành các cụm liên kết ngành liên tỉnh, liên vùng gắn với các trung tâm kinh tế biển mạnh. Tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng trọng yếu như giao thông, năng lượng, công nghệ số, đô thị, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch, dịch vụ…
Thủ tướng đề nghị vùng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Cơ cấu lại ngành công nghiệp, quy hoạch hợp lý để phân bố không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển…
Đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp, liên kết, giá trị gia tăng, sinh thái, đặc hữu; thích ứng hiệu quả với thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu; gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch. Phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thúc đẩy phát triển dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, dịch vụ mới; hình thành các trung tâm logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu. Phát triển các trung tâm du lịch tầm vóc khu vực và quốc tế, chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo riêng của vùng.
Phát triển mạnh hệ thống đô thị, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng. Nghiên cứu đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc trục ngang kết nối cửa khẩu quốc tế với cảng biển, đường sắt kết nối với Tây Nguyên...
Tại hội nghị, với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng bảy đối tác đã ký biên bản ghi nhớ (MOU), biên bản hợp tác (MOC) và trao đổi thư bày tỏ quan tâm tài trợ nhằm hợp tác cung cấp tài chính cho các dự án phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ với 45 dự án, tổng quy mô vốn hơn 1,7 tỉ USD.
Các dự án này tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi, nông thôn nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Cơ quan thẩm quyền cũng trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư của các địa phương Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cho 19 dự án.
Cảng hàng không Phù Cát được giao nghiên cứu hoàn thiện đề án xã hội hóa đầu tư theo phương thức PPP, cũng như trong nhiệm kỳ phải hoàn thành tuyến đường giao thông ven biển Bình Định.