Theo Hãng tin Reuters, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố bốn người bị trừng phạt nêu trên có liên quan đến Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB). Trong đó có hai người được cho là nằm trong những thủ phạm chính được báo cáo về vụ đầu độc ông Navalny.
Các biện pháp trừng phạt ngày 17-8 được đưa ra dựa theo một đạo luật năm 2012.
Đạo luật trên cho phép Chính phủ Mỹ trừng phạt những người có liên quan đến các vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền ở Nga, đóng băng tài sản của họ và cấm họ nhập cảnh vào Mỹ.
Theo Reuters, những người bị nhắm đến là các đặc vụ của Viện Tội phạm FSB Alexey Alexandrovich Alexandrov, Konstantin Kudryavtsev và Ivan Vladimirovich Osipov, cũng như đặc vụ FSB Vladimir Alexandrovich Panyaev.
Đại sứ quán Nga tại Washington chưa lên tiếng sau vụ việc.
Cũng theo Bộ Tài chính Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ công bố các hạn chế về thị thực liên quan trong ngày.
Trong tuyên bố mới nhất, ông Brian Nelson - thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách về khủng bố và tình báo tài chính - cho biết động thái mới nhất của họ là lời "nhắc nhở" đến Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo đó, ông Nelson phản đối vụ đầu độc ông Navalny vào năm 2020, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ dùng quyền hạn của mình để Nga "phải chịu trách nhiệm".
Vào những năm 2010, ông Navalny đã đưa hàng chục nghìn người xuống đường. Ông bị bắt vào tháng 1-2021 sau khi trở về Matxcơva từ Đức.
Ông Navalny đã được đưa đến Đức điều trị sau khi bị đầu độc ở Siberia hồi năm ngoái. Các chuyên gia phương Tây kết luận ông bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok.
Điện Kremlin từng cáo buộc ông Navalny hợp tác với Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) để phá hoại nước Nga, phủ nhận mọi liên quan đến những gì đã xảy ra với ông Navalny.
Ngày 11-8, Cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat) cho biết trong quý 2 kinh tế nước này đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kinh tế Nga ghi nhận tăng trưởng trong một năm qua.