Bị bán mạnh trong ngày 2 và 3/2, giá vàng thế giới tuần này giảm 3,5%, xuống dưới mốc 1.900 USD mỗi ounce. Trong đó, chỉ riêng ngày thứ sáu, báo cáo việc làm tháng 1 tại Mỹ mạnh lên bất ngờ khiến giá vàng giảm hơn 2%. Giá kim loại quý tương lai kỳ hạn tháng 4 được giao dịch lần cuối ở mức 1.877,3 USD mỗi ounce.
Về triển vọng tuần tới, một số chuyên gia lưu ý giá vàng có nguy cơ giảm hơn nữa vì các nhà kinh tế cho rằng động lực tăng mạnh trong thị trường lao động có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ lâu hơn dự kiến. Nhiều nhà phân tích đang theo dõi mức hỗ trợ quanh mốc 1.850 USD mỗi ounce.
Trong khi đó, khảo sát cuối tuần này của Kitco với các nhà phân tích, giám đốc ngân hàng, chuyên viên giao dịch cũng cho thấy 44% dự báo giá vàng tuần sau giảm. 17% cho rằng giá tăng và 39% kỳ vọng đi ngang.
Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex, cho rằng đà điều chỉnh của giá vàng có thể kéo dài đến ngày 14/2 - thời điểm dữ liệu lạm phát tiếp theo của Mỹ được công bố. Khi ấy, động thái tiếp theo của Fed có thể rõ ràng hơn. Theo ông, giá vàng có thể phá vỡ mốc 1.865 USD mỗi ounce và hướng tới vùng giá 1.830 - 1.850 USD mỗi ounce.
Tuy nhiên, triển vọng tăng giá tổng thể trong dài hạn của vàng vẫn còn nguyên, bất chấp xu hướng giảm ngắn hạn, theo Everett Millman, chuyên gia về kim loại quý của Gainesville Coin. "Cho dù Fed có làm gì đi chăng nữa, vàng sẽ hoạt động tốt trong suốt thời gian còn lại của năm. Đây là một biến động ngắn hạn chứ không phải là một thay đổi cơ bản trong triển vọng của vàng", ông nói.
Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), một động lực cần chú ý trong quý đầu tiên là hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương sau khi họ đã mua vào 1.136 tấn vào năm 2022, mức cao nhất kể từ năm 1967. "Chúng tôi chưa từng thấy mức độ quan tâm đó kể từ cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Đó là một điều quan trọng cần theo dõi", Millman chỉ ra.
Phiên An (theo Kitco)