M.U là ví dụ điển hình nhất cho việc không phải cứ mua sắm nhiều ngôi sao là tốt. 4 năm qua, "Quỷ đỏ" chi ra đến hơn 700 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng (nếu trừ đi tiền bán cầu thủ, khoản thực chi của M.U cũng lên đến 550 triệu euro) nhưng rồi vẫn tay trắng, và phải đến thời điểm này mới có dấu hiệu quật khởi.
Nhưng cú "đề pa" của tân Chủ tịch Todd Boehly ở sân Stamford Bridge thực sự vượt ngoài mọi ví dụ trong lịch sử bóng đá châu Âu. Hãy cùng nhìn lại những năm đầu tiên của các "đế chế" giàu có khác.
Khi mới đến Chelsea vào năm 2003, Chủ tịch Roman Abramovich chi ra 170 triệu euro để đội bóng mua sắm 11 cầu thủ trong năm đầu tiên. Tương tự, Hoàng thân Sheikh Mansour cũng chi ra 157 triệu euro để mang về 10 tân binh cho năm đầu tiên ông nắm quyền Man City, và với tỉ phú người Qatar Nasser Al-Khelaifi ở PSG là 107 triệu euro (11 cầu thủ).
Tất nhiên, sau hơn một thập niên, đồng tiền trong trong thế giới bóng đá đỉnh cao lúc này đã mất giá đi nhiều. Nhưng con số 611 triệu euro cho 16 tân binh của Chelsea trong mùa này vẫn quá ư khủng khiếp.
Về mặt kinh tế, số tiền mà Chelsea chi ra cho từng ngôi sao hầu như đều gấp đôi, gấp ba giá trị thật. Điển hình như Enzo Fernandez - người được họ mua với giá 121 triệu euro nhưng thật ra chỉ được Transfermarkt định giá 55 triệu euro. Mudryk - được mua với giá 70 triệu euro nhưng cũng chỉ có giá 40 triệu euro, còn Wesley Fofana chỉ được định giá 40 triệu euro khi Chelsea mua anh với giá 80 triệu euro vào mùa hè rồi…
Đá tốt thì mọi chuyện đều suôn sẻ, nhưng nếu những cái tên kể trên không hòa nhập được ở sân Stamford Bridge, Chelsea xem như vô phương thu hồi vốn từ họ trong tương lai.
Chưa tính Malo Gusto - người đến mùa hè tới mới cập bến sân Stamford Bridge, Chelsea xem như đã bổ sung đến 7 người chỉ sau kỳ chuyển nhượng tháng 1. Đội một của HLV Graham Potter giờ đây có những 33 cái tên, vượt xa so với cấu trúc lý tưởng của một đội bóng là khoảng 23 - 25 cầu thủ. Quá nhiều người, và hầu hết là những người mới, HLV Potter chắc chắn sẽ đau đầu trong việc lựa chọn đội hình, bố trí nhân sự, tìm chiến thuật phù hợp cũng như quản lý phòng thay đồ trong thời gian tới.
Khó khăn rõ ràng nhất trước mắt là việc đăng ký các tân binh dự Champions League. Luật của UEFA chỉ cho phép các CLB bổ sung thêm 3 người sau kỳ chuyển nhượng mùa đông. Về lý thuyết, Felix, Enzo và Mudryk có đẳng cấp cao nhất để chiếm trọn ba suất này. Nhưng với hoàn cảnh của Chelsea lúc này, các cầu thủ phòng ngự như Badiashile hay Andrey Santos lại cần thiết hơn.
Chelsea gần như buộc phải giành vé dự Champions League mùa tới để cân bằng được tài chính (nếu không muốn nhận án phạt từ UEFA). Nhưng hiệu quả từ một kỳ chuyển nhượng mùa đông gấp rút chưa thể đến trong một sớm một chiều. Ở vòng 22 Premier League, HLV Potter tung ra sân đến 5 tân binh của kỳ chuyển nhượng vừa rồi (3 người đá chính và 2 vào sân từ ghế dự bị), nhưng rồi vẫn bị Fulham cầm hòa 0-0.
Có một ông chủ sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu chuyển nhượng chắc chắn là điều HLV nào cũng mơ ước. Nhưng sau niềm hân hoan, giờ là lúc HLV Potter bắt đầu lo lắng cho trọng trách của mình tại Stamford Bridge.
Liverpool chìm sâu vào khủng hoảng
Chuỗi ngày tháng tăm tối của Liverpool vẫn tiếp diễn khi họ thua đậm Wolverhampton 0-3 ở vòng 22 Premier League. Như thường lệ, "Lữ đoàn đỏ" lãnh liên tiếp những bàn thua từ khá sớm bởi sai sót của hàng thủ, trong khi hàng công cũng chơi mờ nhạt. Trận thua này khiến khoảng cách giữa Liverpool với top 4 bị nới rộng lên đến 11 điểm.
Sau trận đấu, HLV Jurgen Klopp cho biết ông sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các trụ cột của đội bóng.
Chỉ sau 4 tháng dẫn dắt Chelsea, HLV Graham Potter đã rơi vào nhóm những chiến lược gia có nguy cơ bị sa thải cao nhất Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Xem thêm: mth.42024739060203202-ohk-yah-gnous-rettop-vlh/nv.ertiout