Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2023. Mục tiêu nhằm hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, cộng đồng DN mong muốn bên cạnh chính sách trên, Nhà nước cần hỗ trợ cả về chính sách tín dụng, giảm lãi suất cho vay, giảm thuế VAT, đẩy nhanh thủ tục hoàn thuế…
Gia hạn nộp nhiều loại thuế
Trong dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn nộp sáu tháng đối với thuế VAT; gia hạn nộp ba tháng đối với thuế thu nhập DN và sáu tháng đối với tiền thuê đất. Nếu đề xuất được thông qua, số tiền gia hạn các loại thuế năm 2023 khoảng trên 110.000 tỉ đồng.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn sáu tháng nộp thuế VAT, từ tháng 1 đến tháng 5-2023 và quý I-2023; gia hạn năm tháng đối với số thuế VAT của tháng 6-2023 và quý II-2023. Thời gian gia hạn được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Với thuế thu nhập DN, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn ba tháng thời hạn tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế năm 2023.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2023 của đối tượng này. Như vậy, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn tại khoản này chậm nhất là ngày 30-12-2023.
Đặc biệt, Bộ Tài chính còn đề nghị gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023 của DN, tổ chức, hộ gia đình và hộ kinh doanh cá nhân. Thời gian gia hạn là sáu tháng, kể từ ngày 31-5 đến 30-11-2023.
Mong sớm triển khai vào thực tế
Đề xuất giãn nhiều loại thuế của Bộ Tài chính được các chuyên gia và nhà kinh doanh đánh giá cao. Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP.HCM, nói một trong những khó khăn lớn nhất của các đơn vị sản xuất, kinh doanh hiện nay là dòng tiền. Nhiều DN phải xoay tiền để trả nợ các khoản thuế nhưng lãi suất cho vay quá cao. Vì vậy, nếu được giãn thời gian nộp thuế sẽ giúp DN giải tỏa áp lực, giảm chi phí vay lãi cao để nộp thuế.
“Ngoài các loại thuế trên, chúng tôi đề nghị giãn nộp các khoản BHXH, bảo hiểm y tế… đến hết năm 2023 vì năm nay dự báo kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn. Hiện đầu ra xuất khẩu sang các thị trường lớn của nước ta là EU, Mỹ giảm mạnh, khó có khả năng phục hồi trong ngắn hạn” - ông Việt kiến nghị.
Bên cạnh chính sách gia hạn nộp thuế, các doanh nghiệp đề nghị triển khai đồng bộ các chính sách khác để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh: QH |
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Saigon Phạm Hải Long cũng đánh giá cao sự lắng nghe, thấu hiểu của Bộ Tài chính khi đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ DN vượt qua gian đoạn cực kỳ khó khăn này. Bởi DN có thể sử dụng khoản tiền thuế được gia hạn tạm thời chưa phải nộp để tập trung cho sản xuất, kinh doanh. Ví dụ, khoản tiền thuê đất DN phải chi trả hằng năm là không nhỏ.
“Chúng tôi kỳ vọng chính sách giãn nộp thuế sớm được triển khai vào thực tế với thủ tục đơn giản để DN dễ tiếp cận” - ông Long bày tỏ.
Cần thêm các chính sách khác
Nhiều chuyên gia, DN đánh giá chính sách gia hạn thuế là “một mũi tên trúng nhiều đích”, mang lại kết quả tốt cho cả DN, người dân và Nhà nước. Bởi số tiền thuế gia hạn nộp đồng nghĩa với việc giúp DN giảm chi phí sản xuất, tăng vốn lưu động. Ngược lại, ngân sách nhà nước vẫn không giảm, thậm chí còn tăng nhờ nuôi dưỡng được nguồn thu. Tuy nhiên, bên cạnh chính sách trên, cần triển khai hiệu quả nhiều chính sách khác để tiếp sức cho người dân và DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Ông Phạm Hải Long dẫn chứng thủ tục hoàn thuế VAT hiện vẫn rất chậm. Điều này khiến số tiền chậm hoàn thuế VAT lên tới 40-50 tỉ đồng.
“Trước đây, cơ quan thuế hoàn thuế theo quý thì DN có nhanh dòng tiền để đưa vào sản xuất, mua nguyên vật liệu… Nhưng nay thủ tục hoàn chậm cả năm, số tiền rất lớn, DN buộc phải vay ngân hàng trả lãi, mà lãi lại đang tăng cao. Vì vậy, nếu hoàn nhanh thuế VAT sẽ giúp DN được rất nhiều” - ông Long kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Việt nhận xét việc kéo dài hoàn thuế VAT khiến DN gặp nhiều khó khăn, phải huy động nguồn vốn để bù đắp lại khoản chưa được hoàn thuế VAT, phát sinh chi phí lãi vay. Trong khi hiện nay lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại quá cao, 13,3%-15%, gấp năm lần mức lạm phát (3,15%) khiến DN không thể chịu đựng được.
“Nếu lãi suất cao như thế này thì sắp tới DN có thể đóng cửa, tạm dừng sản xuất. Vì vậy, chúng tôi đề nghị ngành ngân hàng duy trì cho vay với lãi suất dưới 10% và nên giữ mức lãi suất huy động chỉ nên khoảng 6%-7% chứ không để cao 9%-10%/năm như hiện nay” - ông Việt kiến nghị.
Ông NGUYỄN NGỌC HÒA,Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM:
Kiến nghị giảm lãi suất, gia hạn nợ vay
Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp kéo lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư, vì hiện mức lãi suất dài hạn trên 10% thì DN “không có cửa” để đầu tư.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn. Áp dụng chính sách ân hạn một năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau.
Cùng với đó, Nhà nước cần triển khai hiệu quả chính sách cho vay ngừng việc, nghỉ việc và cho vay khác nhằm hỗ trợ các DN bị thiếu hụt đơn hàng phải cho công nhân nghỉ việc, làm việc luân phiên…
Chúng tôi cũng đề xuất Nhà nước cần tiếp tục áp dụng thuế VAT 8% cho tất cả ngành, thời hạn áp dụng tới hết năm 2024 và giải quyết hoàn thuế VAT đúng thời hạn cho DN.