Thông tin được đăng tải từ trang chủ của Premier League cho biết Man City hiện đang đối mặt với hơn 100 cáo buộc vi phạm luật công bằng tài chính (FFP) của Premier League.
Những vi phạm này trải dài từ giai đoạn năm 2009 đến 2018 có thể khiến Man City trả một cái giá rất đắt.
Lật lại chuyện cũ
Năm 2018, tạp chí Der Spiegel của Đức công bố các tài liệu từ Football Leaks cho biết Man City đã khai khống những khoản tiền từ nhà tài trợ. Theo cáo buộc, những khoản tiền tài trợ này đến từ chủ sở hữu của CLB.
Họ sử dụng các công ty khác nhau để ngụy tạo thành tiền tài trợ nhằm tạo nên "doanh thu ảo" giúp Man City cân đối việc chi tiêu và lách được các quy định về công bằng tài chính.
Năm 2020, Man City đứng trước nguy cơ nhận án phạt cấm 2 năm thi đấu ở các cúp châu Âu từ LĐBĐ châu Âu (UEFA). Nhưng trong phán quyết cuối cùng, Tòa án thể thao thế giới (CAS) chỉ quyết định phạt tiền, với lý do các cáo buộc đã hết thời hiệu truy tố.
Nhưng không giống UEFA, Premier League không giới hạn thời hiệu truy tố và các cáo buộc này được lật lại từ năm 2021. Với thông báo của Premier League, nguy cơ Man City thua kiện và bị xử phạt là rất cao.
Những hình phạt có thể bao gồm phạt tiền, trừ điểm ở mùa giải hiện tại, bị tước các danh hiệu trong thời gian vi phạm, bị giáng rớt hạng, thậm chí là bị loại khỏi giải.
Bất công vẫn luôn tồn tại
Ngay khi có thông tin về chuyện Man City có thể bị tước danh hiệu, người hâm mộ đặt ra câu hỏi: Liệu các đội về nhì trong những mùa giải Man City vô địch có được trao cúp? Trong giai đoạn 2009-2018, Man City từng vô địch 3 lần. Và M.U (năm 2012 và 2018) cùng Liverpool (năm 2014) là những đội bóng về nhì trong những mùa giải đó.
Thậm chí, cả ba chức vô địch vào các năm 2019, 2021 và 2022 của Man City cũng có thể bị tước bỏ nếu Premier League mở rộng phạm vi điều tra. Liverpool (2 lần) và M.U (1 lần) vẫn là những đội về nhì trong các mùa giải này.
Trong vụ xì căng đan Calciopoli năm 2006. Theo đó, Juventus cùng nhiều đội bóng Ý khác (có cả AC Milan) đã dàn xếp tỉ số trong hai mùa giải 2004-2005 và 2005-2006.
Kết quả, chức vô địch năm 2005 của Juventus bị hủy bỏ (nhưng cũng không trao cho CLB khác). Còn chức vô địch năm 2006 được trao cho Inter Milan - đội xếp hạng ba khi đó, dưới Juventus và AC Milan.
Truyền thông châu Âu hiện đang tranh cãi về việc có trao những danh hiệu vô địch của Man City cho các đội về nhì hay không. Kể cả khi điều này xảy ra, đó cũng chỉ là một động thái mang tính an ủi là chính. M.U hay Liverpool có thể được đền bù về danh dự.
Nhưng với Arsenal, Tottenham và Leicester - những đội bóng đã về đích thứ 5 trong các mùa giải đó - đã thiệt hại hàng trăm triệu euro vì không giành được vé dự Champions League.
Công bằng cho tương lai của Premier League
Khoảng 3 năm trở lại đây, Man City đã cân đối rất nhiều về mặt chi tiêu. Hằng năm, khoản thực chi trên thị trường chuyển nhượng của họ đều dưới 100 triệu euro.
Thậm chí trong mùa giải này, Man City còn có lời khi chỉ bỏ ra 150 triệu euro mua cầu thủ và thu về 159 triệu euro từ chiều bán. Quỹ lương của họ cũng khá ổn định. Nhưng để có được sự ổn định đó là một quá trình lũng đoạn thị trường tạo ra từ những năm thập niên 2010.
Chỉ riêng trong hai mùa giải từ 2016- 2018, Man City thực chi đến 400 triệu euro cho việc mua cầu thủ. Nói một cách dễ hiểu, sự cân bằng tài chính Man City có được trong vài mùa giải gần đây đến từ việc họ chi tiền ồ ạt trong quá khứ.
Một HLV Jurgen Klopp cay đắng chấp nhận cảnh "vua về nhì" dù đã tạo nên một Liverpool tốt nhất có thể (với tiềm lực tài chính của họ).
Một Arsenal với lối chơi hoa mỹ cùng nền tảng tài chính ổn định nhưng vẫn không vào được tốp 4 trong nhiều năm. Hay một Harry Kane (Tottenham) đã ghi hàng trăm bàn thắng trong sự nghiệp nhưng mãi trắng tay...
Án phạt nặng dành cho Man City (nếu họ có tội) dù không thể vãn hồi những bất công đó, nhưng sẽ mang lại công bằng cho tương lai của Premier League.
Luật công bằng tài chính là gì?
Luật công bằng tài chính (FFP) được UEFA đặt ra từ năm 2009 với mục đích hạn chế các đội bóng sở hữu những tỉ phú quá giàu có chi tiêu vô tội vạ.
Trong quy định ban đầu, UEFA không cho phép các CLB chi quá 5 triệu euro so với mức doanh thu của họ trong chu kỳ 3 năm, sau đó được nâng lên mức 30 triệu euro.
Trong các cáo buộc, Man City bị nghi ngờ đã khai khống doanh thu của mình. Ngoài ra, họ còn tìm cách giảm đi những khoản chi bằng cách thông qua CLB khác để trả lương cho HLV Mancini.
Ngày 6-2, ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh (Premier League) đã cáo buộc Manchester City vi phạm tài chính hơn 100 lần trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2018.
Xem thêm: mth.73483359080203202-gnab-gnoc-ial-art-gnan-tahp-ib-oc-yugn-court-ytic-nam/nv.ertiout