Theo tờ Business Insider, CEO Sundar Pichai của Alphabet (Google) từng giải thích quyết định sa thải 12.000 lao động của mình rằng ban giám đốc đã xem xét rất kỹ lại cấu trúc công ty, rằng hãng đã tuyển dụng trong bối cảnh kinh tế khác hoàn toàn so với hiện nay, rằng đuổi việc là điều cần thiết cho tương lai của công ty.
Thế nhưng CEO Pichai, người đã nhận 280 triệu USD lương thưởng năm 2019, tuy nói rằng sẽ nhận hoàn toàn trách nhiệm về quyết định sa thải trên lại chẳng có động thái chịu phạt gì rõ ràng.
CEO Pichai chẳng hề nói đến việc Google bị phạt hàng tỷ USD tiền chống độc quyền, bị ChatGPT của Microsoft bỏ rơi dù hãng đã từng nói ưu tiên cho phát triển trí thông minh nhân tạo (AI) để rồi nhận ra hãng đã ngủ quên quá lâu trên đỉnh vinh quang.
Mặc dù CEO Pichai tuyên bố tất cả tầng lớp lãnh đạo, bao gồm cả chính ông sẽ bị cắt thưởng nhưng 12.000 lao động, kể cả những người làm việc tới 20 năm cho Google, bị sa thải bằng email một cách đột ngột mới là đối tượng gánh chịu thiệt hại chính cho những quyết định sai lầm này.
CEO Sundar Pichai của Alphabet
Trên thực tế chẳng riêng gì Google, hàng loạt những lãnh đạo của Amazon, Microsoft, Meta, Salesforce đã đẩy công ty vào tình thế bất ổn khi đầu tư quá tay cho những dự án mới, tưởng rằng thời kỳ công nghệ bùng nổ hậu dịch sẽ đến, cũng đã đẩy trách nhiệm lên vai người lao động thay vì các nhà lãnh đạo.
Tờ BI nhận định bất kỳ giám đốc nào để công ty phải sa thải hàng nghìn lao động đều đáng bị đuổi việc. CEO Pichai của Google hay những giám đốc tương tự chẳng đáng nhận được 280 triệu USD hay một đồng nào mà nên bị sa thải vì những quyết định sai lầm của chính mình.
Lỗi tại nhân viên
Trong hầu hết các bản tuyên bố, hầu hết các hãng công nghệ đều lấy cớ rằng tình hình kinh tế chung là nguyên nhân cho sự sa thải trên. Với Amazon, đuổi việc là cần thiết vì “chuỗi cung ứng gặp khó khăn, lạm phát, sản lượng đình trệ và nền kinh tế bất ổn”. Với Salesforce, “nền kinh tế đi xuống” là nguyên nhân chính khiến hãng đuổi việc 10% lao động, Workday cũng có lý do tương tự khi sa thải 3% nhân viên.
Thế nhưng tờ BI cho rằng dù viện cớ gì thì chính những quyết định sai lầm của giám đốc cấp cao mới là nguyên nhân chính cho rắc rối hiện nay. Từ việc Mark Zuckerberg tuyển dụng ồ ạt trong mùa dịch và đổ hàng tỷ USD cho vũ trụ ảo, để rồi phải sa thải 11.000 lao động, đến việc Tobi Lutke của Shopify đặt cược vào thương mại điện tử nhưng chẳng có kết quả, rồi phải cắt giảm 1.000 nhân viên.
Điều đáng nói là cho dù có đuổi 10% hay 90% nhân viên thì vấn đề của công ty cũng chẳng thể giải quyết được. Động thái này không làm tăng năng suất, không sáng tạo nên thứ gì mà chỉ đơn giản là cắt giảm chi phí, qua đó cho thấy các giám đốc cấp cao “có làm gì đó” khi giá cổ phiếu giảm.
Với người lao động, sự bất bình của họ lên đến đỉnh điểm khi hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn vẫn có lãi lớn, dù giảm so với cùng kỳ năm trước. Microsoft lãi 16,4 tỷ USD dù lợi nhuận quý IV/2022 của hãng giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, nhưng công ty vẫn đuổi 10.000 lao động. Amazon thì lãi 2,8 tỷ USD dù thấp hơn so với mức đỉnh mùa đại dịch nhưng vẫn ở mức bình quân so với dữ liệu lịch sử, thế rồi họ vẫn sa thải 18.000 người.
Rõ ràng khi lợi nhuận giảm đôi chút thì người lao động sẽ phải gánh chứ không phải các CEO. Khi một công ty quyết định sa thải hàng loạt, vô số những hãng khác sẽ theo sau để CEO trông có vẻ “nghiêm khắc, chịu trách nhiệm” với cổ đông dù nó có tổn thương người lao động đến đâu đi chăng nữa.
CEO Tim Cook của Google
Với các nhân viên bị sa thải, nhất là những người đóng góp lâu năm cho công ty, quyết định đuổi việc đột ngột qua email khiến họ tổn thương nặng về tinh thần lẫn kinh tế. Tuy vậy với cả công ty và những lao động ở lại, năng suất làm việc cũng sẽ ảnh hưởng, chẳng ai muốn cố gắng cống hiến, sáng tạo cái gì nữa khi lúc nào họ cũng có thể bị đuổi.
Thậm chí ngay cả khi các CEO cam kết ngừng sa thải thì niềm tin vào doanh nghiệp, vào những cống hiến của người lao động cho tổ chức cũng biến mất khi nhận ra họ là “hàng có thể dễ dàng thay thế”.
Quay trở lại câu chuyện cắt giảm chi phí, có nhiều ví dụ về việc hạ chi phí mà không đuổi việc người lao động, ví dụ như Apple. CEO Tim Cook của nhà táo khuyết đã chấp nhận giảm 40% lương thưởng xuống chỉ còn 49 triệu USD năm 2023.
Mặc dù con số này không thực sự có gì đáng phải vỗ tay nhưng việc một CEO chấp nhận cắt giảm thu nhập của mình trước khi nghĩ đến việc sa thải lao động được tờ BI biểu dương. Tương tự, CEO Pat Gelsinger của Intel cũng chấp nhận giảm 25% thu nhập và cắt 15% lương thưởng của ban giám đốc để tránh một cuộc sa thải diện rộng cho doanh nghiệp.
Như vậy theo BI, tất cả câu chuyện kinh tế khó khăn, cắt giảm chi phí chỉ là cái cớ bào chữa cho những quyết định sai lầm và tầm nhìn ngắn hạn của các CEO. Bằng những lý do này cùng với việc sa thải, ban giám đốc có thể giữ được danh dự cho mình cũng như tránh được sự chỉ trích của cổ đông cho kết quả kinh doanh không như kỳ vọng.
Quyền lực lớn, trách nhiệm càng nhiều
Trong tác phẩm “Người Nhện” (Spiderman), tác giả Stan Lee đã từng có câu dẫn truyện nổi tiếng: “With great power, comes great responsibility” (Quyền lực lớn, trách nhiệm càng nhiều). Thế nhưng có lẽ điều này chỉ diễn ra trong truyện và với các người hùng chứ chẳng bao giờ được liên hệ với những CEO.
Tờ BI nhận định việc các CEO viện cớ né tránh trách nhiệm là điều quá bình thường tại Mỹ. Văn hóa sùng bái quá mức các giám đốc hơn những nhân viên bình thường ở Mỹ đã trở nên phổ biến đến mức các tập đoàn tìm mọi cách để cắt giảm chi phí nhưng lại hạn chế sa thải người có quyền lực to nhất là CEO.
Số liệu của BI cho thấy mức lương bình quân của các CEO tại Mỹ đã tăng tới 1.460% trong khoảng 1978-2021. Tỷ lệ giữa thu nhập bình quân của nhân viên thường với CEO cũng tăng từ 20/1 năm 1965 lên 399/1 năm 2021.
Khi bất kỳ một giám đốc cấp cao nào mắc sai lầm, họ thường tránh được hậu quả với nhiều cách thức, trừ phi thiệt hại gây ra là quá lớn và gây ảnh hưởng rộng. Hội đồng quản trị thì không bám sát được công việc trong khi cổ đông thì chỉ nhìn vào giá cổ phiếu và lợi ích thực tế của bản thân.
Trái lại, bất kỳ nhân viên nào đưa ra quyết định dẫn đến lợi nhuận của hãng giảm với tỷ lệ 2 con số thì họ sẽ bị chấm dứt hợp đồng ngay lập tức.
Thế nhưng khi các lãnh đạo mắc sai lầm thì nhân viên, những người thực tế đã làm tốt vai trò của mình cũng như nhiệm vụ được giao, lại là người phải gánh hậu quả. Thậm chí ngay cả khi điều hành chẳng ra sao thì nhiều CEO vẫn nhận được khoản thưởng cao bất hợp lý.
Lấy ví dụ hãng cho thuê xe Hertz bị buộc phải sa thải 10.000 lao động vào năm 2020 khi đại dịch diễn ra để rồi đối mặt nguy cơ phá sản. Ban lãnh đạo của hãng này đã nhận được khoản thưởng 16 triệu USD ngay trước quyết định sa thải 10.000 nhân viên, bao gồm CEO Paul Stone nhận được 700.000 USD, CFO Jamere Jackson nhận được 600.000 USD...
Rõ ràng, những người nhận được mức lương cao nhất, có quyền lực nhất công ty sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều nhất khi khó khăn xảy ra, trừ phi doanh nghiệp đó không quan tâm đến hiệu quả hoạt động của tổ chức.
Theo BI, đã đến lúc các CEO tập trung để quản lý công ty, cải thiện sản phẩm thay vì chiều lòng nhà đầu tư và cố gắng để nhận khen ngợi từ dư luận.
*Nguồn: BI