Hôm nay, đại gia dầu mỏ TotalEnergies (Pháp) công bố lợi nhuận cả năm ngoái đạt 36,2 tỷ USD - gấp đôi năm trước đó. Nguyên nhân là giá nhiên liệu hóa thạch tăng vọt sau xung đột Nga - Ukraine.
Đến nay, cả Exxon Mobil, Chevron, BP, Shell và TotalEnergies đều công bố lợi nhuận kỷ lục. Trong đó, khoản lãi 56 tỷ USD của Exxon còn là cao nhất trong lịch sử ngành dầu mỏ phương Tây.
Tổng cộng, 5 hãng dầu lớn nhất phương Tây đạt lợi nhuận 196,3 tỷ USD. Con số này thậm chí cao hơn GDP của nhiều nước. Các doanh nghiệp đã sử dụng số tiền này để tăng cổ tức và mua cổ phiếu quỹ.
Dù vậy, các số liệu này lại làm dấy lên lời kêu gọi áp thuế mạnh tay hơn. Agnès Callamard – Tổng thư ký nhóm hoạt động vì nhân quyền Amnesty International cho rằng lợi nhuận khổng lồ của các hãng dầu "là bất hợp lý".
"Hàng tỷ USD lợi nhuận của các hãng dầu lớn cần phải được đánh thuế xứng đáng. Từ đó, các chính phủ có thể giải quyết việc chi phí sinh hoạt tăng với nhóm người dễ tổn thương và bảo vệ quyền lợi của mọi người trước các cuộc khủng hoảng liên tiếp trên toàn cầu", Callamard cho biết.
Lãnh đạo các hãng dầu đã lên tiếng bảo vệ lợi nhuận trước làn sóng chỉ trích. Họ cho rằng an ninh năng lượng là điều quan trọng trong bối cảnh chuyển dịch sang năng lượng tái tạo. Việc tăng thuế cũng có thể cản trở đầu tư.
"Thuế là việc của chính phủ. Còn việc của chúng tôi là cung cấp các góc nhìn khác nhau. Hiện tại, chúng tôi cần đầu tư hàng tỷ USD để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng", CEO Shell Wael Sawan tuần trước cho biết. Shell năm ngoái lãi gần 40 tỷ USD, bỏ xa kỷ lục cũ là 28,4 tỷ USD năm 2008.
Sawan cho rằng thuế lợi nhuận bất thường hoặc trần giá sẽ làm giảm niềm tin đầu tư và ông lo lắng trước những động thái như vậy. CEO Saudi Aramco Hadley Gamble trước đó cũng cảnh báo mối nguy hiểm nếu gây sức ép lên các hãng dầu thông qua tăng thuế.
"Việc này sẽ khiến họ ngại đầu tư. Trong khi đó, họ cần rót thêm vốn vào đây, cần phát triển việc kinh doanh, cả trong lĩnh vực năng lượng truyền thống và tái tạo. Họ cần được hỗ trợ", ông nói. Quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo cần lượng vốn đầu tư lớn. Việc này sẽ gặp khó nếu các công ty bị tăng thuế.
CEO BP Bernard Looney hôm 7/2 khẳng định chỉ đang cung cấp năng lượng mà thế giới cần. "Chúng tôi sẽ đầu tư 8 tỷ USD cho việc chuyển dịch năng lượng trong thập kỷ này và thêm 8 tỷ USD nữa vào dầu mỏ, khí đốt để đảm bảo an ninh năng lượng và giá cả ở mức hợp lý", ông nói.
Hà Thu (theo CNBC)