Chiều 8-2, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Đại diện Liên đoàn Lao động TP.HCM trao giấy khen cho các cấp công đoàn cơ sở hoàn thành nhiệm vụ chăm lo Tết năm 2023. Ảnh: T.N |
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật LĐLĐ TP.HCM cho biết, trong dịp Tết Quý Mão 2023, các cấp Công đoàn TP.HCM thực hiện, vận động và phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức chăm lo Tết cho hơn 753.000 đoàn viên, người lao động với tổng kinh phí hơn 350 tỉ đồng.
Trong đó, các công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp cùng doanh nghiệp trao tặng gần 620.000 suất quà Tết với tổng kinh phí hơn 281 tỉ đồng.
Ngoài ra, có nhiều chương trình chăm lo Tết khác như chương trình “Gia đình công nhân vui Tết cùng Thành phố”, kinh phí hơn 12,4 tỉ đồng, chương trình "Tấm vé nghĩa tình" tiễn công nhân về quê đón Tết với kinh phí hơn 25,6 tỉ đồng (bao gồm các chương trình Chuyến xe yêu thương, chuyến tàu mùa xuân, vé máy bay). Các chương trình do LĐLĐ TPHCM tổ chức với kinh phí hơn 31 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, ông Đô nhìn nhận những mặt hạn chế như vẫn còn một số người sử dụng lao động chưa quan tâm đến công tác chăm lo cho công nhân, người lao động. Công tác lập danh sách của cơ sở để đề xuất cấp trên chăm lo vẫn còn một số sai sót, cần được rà soát cẩn thận, chu đáo hơn.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.N |
Tại hội nghị, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.HCM đề nghị các cấp Công đoàn TP tập trung triển khai, hướng dẫn và thực hiện đảm bảo đúng nguyên tắc theo Nghị quyết 06/NQ-ĐCT ngày 16-1-2023 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.
Bên cạnh đó, tiếp tục tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án sử dụng lao động, sắp xếp thời gian làm việc của người lao động trên cơ sở giữ tối đa số lượng người lao động có việc làm, thu nhập. Cùng với đó, hạn chế thấp nhất việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Trường hợp phải chấm dứt hợp đồng lao động, phải đảm bảo quy trình, quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật và đóng góp của người lao động đối với doanh nghiệp. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người lao động.
"Khi xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở, người lao động, người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng giải quyết, xử lý nhanh, không để bị các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng kích động, gây mất an ninh chính trị, mất trật tự an toàn xã hội" - ông Trung nói.