Liên quan đến loạt bài "Cò" khám chữa bệnh lộng hành Báo Thanh Niên phản ánh liên tiếp trong 3 số báo ngày 6, 7 và 8.2, UBND TP.HCM đã có công văn gửi Sở Y tế, Công an TP.HCM, UBND Q.5, Q.10 và Q.Bình Thạnh về việc kiểm tra, xác minh nội dung được báo phản ánh.
Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp Công an TP.HCM và các đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ các nội dung được phản ánh trên Báo Thanh Niên. Đồng thời xử lý nghiêm đối với các phòng khám, cơ sở có hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế; tăng cường công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự công cộng tại bệnh viện, cơ sở y tế; báo cáo kết quả về UBND TP.HCM.
Sở Y tế báo cáo gì?
Ngày 8.2, TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM ký công văn gửi Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức báo cáo vụ việc "cò" khám chữa bệnh lộng hành.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, sau khi Báo Thanh Niên phản ánh "cò" khám chữa bệnh lộng hành, lãnh đạo Sở Y tế đã chủ trì tổ chức cuộc họp với Công an TP.HCM, Phòng y tế Q.3, Phòng y tế Q.10, Bệnh viện Da liễu, Phòng khám đa khoa Hòa Hảo (Medic - Hòa Hảo) để làm rõ thông tin và tăng cường các giải pháp, phối hợp kiểm soát tốt hơn cũng như xử lý nghiêm tình trạng "cò" khám chữa bệnh.
Song song đó, lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo Thanh tra Sở, Phòng Quản lý dịch vụ y tế phối hợp Công an TP.HCM, phòng y tế và công an địa phương triển khai ngay và duy trì việc thanh kiểm tra sự tuân thủ pháp luật hành nghề y tế và an ninh trật tự của các địa bàn có phòng khám tư nhân còn phức tạp.
Theo đó, ngày 7.2, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã triển khai 3 đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật của các cơ sở y tế xung quanh khu vực có thông tin về hiện tượng "cò" khám chữa bệnh" (theo thông tin đăng trên Báo Thanh Niên), gồm: các khu vực xung quanh Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh), Bệnh viện Da liễu (Q.3) và Phòng khám đa khoa Hòa Hảo (Q.10). Tổng số cơ sở kiểm tra là 5 phòng khám (1 phòng khám đa khoa, 4 phòng khám chuyên khoa), trong đó có 1 phòng khám đóng cửa, không hoạt động tại thời điểm kiểm tra.
Kết quả, số cơ sở có dấu hiệu "cò" dẫn dụ đến khám chữa bệnh là phòng khám chuyên khoa đối diện Bệnh viện Ung bướu trên địa bàn Q.Bình Thạnh. Tại thời điểm kiểm tra ghi nhận có dấu hiệu "cò" khám chữa bệnh đưa bệnh nhân đến cơ sở khám chữa bệnh rồi bỏ đi.
Đoàn kiểm tra đã làm việc trực tiếp với 2 bệnh nhân. 1 bệnh nhân cho biết đến trước cổng Bệnh viện Ung bướu khám chữa bệnh, thì có người hướng dẫn vào phòng khám trên (chỉ đóng tiền phí khám chữa bệnh, không đóng thêm khoản nào khác). Còn trường hợp thứ 2 bị thu phí dẫn đi khám chữa bệnh là 50.000 đồng.
Các phòng khám còn lại tuy chưa phát hiện có dấu hiệu "cò" khám chữa bệnh, tuy nhiên các phòng khám có các hành vi vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh.
Cụ thể, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phòng khám vắng mặt. Người hành nghề không đăng ký hành nghề khám chữa bệnh. Nhân sự tham gia khám chữa bệnh không mang biển tên đầy đủ theo quy định. Niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh không đầy đủ. Bác sĩ khám chữa bệnh không đúng với chuyên khoa đã đăng ký. Bác sĩ không lập hồ sơ bệnh án ngoại trú theo quy định. Phòng khám chưa thực hiện niêm yết biển tên các phòng chức năng đúng theo biên bản thẩm định của Sở Y tế.
Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp với cơ quan đơn vị có liên quan tiến hành xử lý đối với các cơ sở, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng "cò" tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Công an và các quận tăng cương công tác phối hợp
Cũng trong ngày 8.2, TS-BS Nguyễn Anh Dũng cũng ký công văn gửi Giám đốc Công an TP.HCM về việc tăng cường công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở y tế.
Sở Y tế cũng có có văn bản gửi UBND Q.3, Q.10 và Q.Bình Thạnh đề nghị chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành quận thực hiện kiểm tra thường xuyên; giám sát, xử lý theo quy định của pháp luật tình trạng "cò" khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt tại khu vực xung quanh các bệnh viện, trung tâm y tế nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh.