Tiền mất, rước lo lắng
Thay vì phải đến tận nơi để xem bói trực tiếp, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, dịch vụ xem bói online ngày càng nở rộ. Không khó để tìm những trang xem bói online, trong thời đại 4.0, chỉ cần lướt mạng xã hội Facebook… có thể thấy các nhóm công khai "Review xem bói Hà Nội", "Xem bói online chuẩn", "Xem bói miễn phí"…
Còn trên TikTok, YouTube, Zalo… không ít người tự xưng là cô đồng, cậu đồng, là thầy nhận xem bói online như thầy C.A, cô đồng T.T, cậu H.M.Đ... Số người theo dõi các tài khoản này lên đến hàng trăm nghìn người. Đặc biệt, những ngày đầu năm mới, dịch vụ xem bói online càng nở rộ trên mạng xã hội.
Tại nhóm "Xem bói online" với gần 200.000 thành viên, nhiều người nhận xem miễn phí, nhưng cũng có nhiều người nhận xem trả phí. Người xem muốn đăng ký để lại số điện thoại trực tiếp hoặc tin qua Facebook, Zalo.
Hình thức xem bói rất đa dạng, từ bói chỉ tay, bói bài, bói bổ cau, đến xem tử vi, xem tuổi… giá từ 50.000 - 500.000 đồng/lần.
Trên tài khoản Facebook có tên T.T.M ở Tuyên Quang "quảng cáo" nhận xem bói tâm linh mọi vấn đề về gia đình con cái, tình duyên, công danh, vận hạn, bệnh tật… Người này còn tự nhận có thể xem được vợ chồng có chung thủy hay không, chồng có yêu thương vợ con hay không, có ở cả đời với nhau không, có ngoại tình hay không… Hằng ngày. người này thông báo trên Facebook lịch xem bói. Khách xem phải chuyển tiền trước, mỗi lần 300.000 đồng. Sau khi chuyển gửi ảnh chụp đã chuyển khoản cho cô đồng, cô đồng sẽ xếp lịch xem bói.
Một tài khoản khác có tên Đ.N.L, còn gọi là cô đồng L.B ở Hà Nội, nhận xem gieo quẻ đầu năm online, giá cả công khai 300.000 đồng/lần, thời gian xem tối đa 80 phút. Khách chỉ cần gửi ngày tháng năm sinh và ảnh chân dung chưa qua chỉnh sửa.
Một số người còn nhận xem bói theo gói tổng quan cả năm, gói tình cảm, gói công việc, gói combo với giá từ 79.000 - 299.000 đồng. Có thầy bói online còn "quảng cáo" xem với độ chính xác từ 80% trở lên.
Tuy nhiên, không ít người, nhất là các bạn trẻ, vừa mất tiền vừa rước thêm lo lắng khi xem bói. Chị Hoàng Phương, nhân viên văn phòng ở Hà Nội, chia sẻ: "Đầu năm ngoái mình có lên mạng thấy nhóm xem bói online, đang tình duyên lận đận nên đăng ký vào xem, cô phán mình "cao số" phải giải hạn mới lấy được chồng. Muốn giải hạn có thể đặt cúng online với phí 6 triệu đồng. Còn xem trực tiếp hơn 10 triệu. Nghe xong mình khá là hoang mang, có hỏi ý kiến các chị đồng nghiệp, mọi người đều can. Dù không giải, mình vẫn có bạn bạn trai và giờ chúng mình sắp cưới".
Chị Quỳnh Hương, ở Hà Nội kể: "Sau khi xem bói online, mình được thầy giới thiệu mua vòng đá phong thủy trị giá 500.000 đồng về đeo để mang lại may mắn tài lộc. Được một thời gian thì thầy lại nhắn tin bảo mình có vong theo, bị hãm cung tài lộc, cần phải làm lễ để nhận linh vật mặt phật về đeo với giá 400.000 đồng. May mắn bình an đâu chưa thấy, chỉ thấy từ sau khi xem bói lại rước thêm nỗi lo lắng vào thân".
Yêu cầu gỡ bỏ video mê tín dị đoan
Theo PGS - TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), lợi dụng những tiện ích của công nghệ, dịch vụ xem bói online ngày càng phát triển ở Việt Namm. Thay vì đến nhà các "cô đồng, bà cốt" xem bói, nhiều người, nhất là lớp trẻ, lại xem bói online để tìm hiểu tiền vận, hậu vận thế nào.
Qua hiện tượng trên, PGS - TS Lê Quý Đức nhìn nhận việc xem bói online có người xem cho vui, nhưng cũng có người tin vào thế lực siêu nhiên, thần thánh mà thiếu niềm tin vào xã hội, thiếu niềm tin vào bản thân mình khiến cho đời sống xã hội không còn lành mạnh.
"Cơ quan chức năng cần vào cuộc, nếu vi phạm pháp luật về tuyên truyền mê tín dị đoan cần xử lý hành chính. Các nhà mạng, các cơ quan quản lý cần phải xử lý, gỡ bỏ những video này, không để lan truyền truyên mạng xã hội. Các cơ quan truyền thông cũng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân", PGS - TS Lê Quý Đức nêu ý kiến.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh - truyền hình - thông tin điện tử (Bộ TT-TT), với những hình thức bói toán, mê tín dị đoan, cơ quan quản lý là Bộ VH-TT-DL và chính quyền địa phương sẽ vào cuộc xử lý, yêu cầu chính chủ tài khoản phải tự gỡ bỏ hình ảnh, video. Bộ TT-TT sẽ yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ những video, clip không chính chủ có sai phạm được phát tán trên mạng xã hội.
Liên quan đến cô đồng T.H "vừa bổ cau vừa xem bói" tại Hải Dương, ông Lê Quang Tự Do cho biết, trong ngày hôm nay 8.2, Cục Phát thanh - truyền hình - thông tin điện tử gửi yêu cầu cho TikTok gỡ bỏ video xem bói của người này. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày 8.2, một lãnh đạo Công an TX.Kinh Môn (Hải Dương) cho biết, đơn vị đang làm rõ thông tin cô đồng bổ cau "đúng nhận sai cãi" xem bói toán, có biểu hiện mê tín dị đoan trên mạng xã hội. Nếu phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng sẽ làm rõ và xử lý theo quy định.
Như Thanh Niên đã đưa tin, những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện video của một phụ nữ được cho là cô đồng T.H, luôn xưng với người xem bói là cô và con, chuyên xem về đường tình duyên, đất cát, nhà cửa, công danh sự nghiệp, vận hạn…
Đáng chú ý, sau mỗi câu phán, cô đồng T.H thường chêm vào câu nói: "Đúng nhận, sai cãi". Câu nói này đã trở thành trend trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng cho rằng, cô đồng T.H toàn nói dựa, nói nước đôi, phán những điều không có căn cứ. Những lời lẽ trong video của cô đồng T.H thiếu chuẩn mực, thậm chí còn văng tục, chửi bậy trên mạng xã hội. Với những video nhảm nhí này, cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý, gỡ bỏ trên mạng xã hội.