Ngày 9-2, đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội làm việc với UBND TP Hà Nội về chuyên đề "Việc thực hiện nghị quyết số 88/2014/QH13 và nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi giám sát. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cùng dự.
Cần cải cách chế độ tiền lương đối với viên chức ngành giáo dục
Báo cáo của UBND TP Hà Nội tại buổi giám sát chỉ ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại thủ đô. Cụ thể, hiện một số giáo viên đơn môn thừa, trong khi giáo viên môn nghệ thuật đang thiếu.
Ngoài ra, tại một số trường, tỉ lệ giáo viên/lớp trung bình thấp, chưa đạt được tỉ lệ giáo viên/lớp bảo đảm để tổ chức thuận lợi dạy học 2 buổi/ngày; việc phát triển đội ngũ dạy học yêu cầu tích hợp đang gặp khó khăn.
Bên cạnh đó còn có những khó khăn, bất cập về cơ sở vật chất khi nhiều khu đô thị không có trường học, dân số cơ học tăng nhanh. Diện tích đất quy hoạch tại nhiều trường trong các quận trung tâm chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Một số trường học, sĩ số học sinh/lớp còn cao.
Trước thực tế trên, Hà Nội kiến nghị Chính phủ có cơ chế pháp lý việc dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình đối với giáo dục phổ thông; cần cải cách chế độ tiền lương đối với viên chức ngành giáo dục - đào tạo để bảo đảm đời sống và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng.
Đồng thời, xem xét lại quy định về độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở vì giáo viên lớn tuổi khó phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh các cấp học này.
Không gợi ý các trường chọn sách giáo khoa
Trong khuôn khổ buổi giám sát, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cũng chia sẻ một số khó khăn trong công tác tuyển dụng, đào tạo giáo viên. Ông Tiến cho biết thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục giao cho các ngành chức năng nghiên cứu cơ chế chính sách để đáp ứng đủ số giáo viên, bảo đảm chất lượng dạy và học.
Về việc lựa chọn sách giáo khoa, ông Tiến khẳng định TP Hà Nội lựa chọn xuất phát từ cơ sở, theo đúng quy trình hướng dẫn của bộ chứ không có định hướng, gợi ý các trường.
Phát biểu tại buổi giám sát, đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết qua ý kiến các giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có điểm mới là nhất quán, thống nhất, hướng đích, cứng ở mục tiêu chuẩn đầu ra; kiên định và thống nhất dù các bộ sách khác nhau vẫn phải theo tinh thần đó.
"Quá trình triển khai, con đường đi đến mục tiêu, các giáo viên cần tự tin hơn nữa, mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa để tạo sự chủ động, linh hoạt trong dạy và học" - ông Sơn nói.
Kết luận buổi giám sát, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết mặc dù thực hiện các nghị quyết trong điều kiện còn một số nơi thiếu trang thiết bị dạy học, một số trường học quá tải nhưng các giáo viên đã sáng tạo, cố gắng tốt nhất trong điều kiện hiện có để đáp ứng yêu cầu tối thiểu.
Bà cũng đề nghị UBND TP bổ sung, hoàn thiện báo cáo, sớm gửi đoàn giám sát tổng hợp báo cáo đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, 6 tỉnh gồm Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Đắk Lắk, Quảng Ngãi và Khánh Hòa đã có nhiều sai sót trong quy trình lựa chọn sách giáo khoa.