Sáng 22/12 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư và Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức toạ đàm Tháo gỡ "điểm nghẽn" phát triển năng lượng tái tạo. Phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn Bá Sản, đại diện Ban quản lý năng lượng, Tập đoàn T&T nhận định hiện có 3 rào cản/điểm nghẽn chính cần thiết được xem xét tháo gỡ sớm để phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Rào cản thứ nhất là lưới điện truyền tải chưa phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn điện từ NLTT. Trong khi đó, bối cảnh và xu thế cho thấy tỷ trọng nguồn điện từ NLTT ngày càng lớn và tiếp tục gia tăng trong tổng công suất nguồn điện ở Việt Nam. Thực tế này đặt vấn đề cần cho phép và thu hút các doanh nghiệp tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện được coi là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong các tuyến đường dây truyền tải điện.
Ông Nguyễn Bá Sản, đại diện Tập đoàn T&T. Ảnh: Trọng Hiếu
“Hiện nay, Luật Điện lực đang được xem xét hiệu chỉnh. Do vậy, việc sớm ban hành các hành lang pháp lý sẽ giúp xóa bỏ rào cản/điểm nghẽn này để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống truyền tải điện gắn với phát triển NLTT bền vững", ông Nguyễn Bá Sản cho hay.
Rào cản thứ 2 là tính dài hạn, thông suốt của chính sách. “Phát triển NLTT là chủ trương lớn của Đảng và đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, cùng các quyết sách của Nhà nước và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, do vậy, nguồn điện mặt trời và điện gió đã gia tăng nhanh chóng trong các năm gần đây. Tuy nhiên, điện mặt trời đã bị chững lại từ sau 1/1/2021 và gần đây là điện gió sau 1/11/2021. Điều này thể hiện cơ chế chính sách của chúng ta chưa liên tục, đang bị đứt gãy và gián đoạn. Đây cũng được coi một điểm nghẽn cần khơi thông dòng chảy và cần có một hành lang pháp lý thông suốt, thông thoáng, rõ ràng và liên tục. Các cơ chế chính sách áp dụng trong thời gian vừa qua chưa đưa ra được định hướng lâu dài”, đại diện T&T Group đánh giá.
Việc chưa có cơ chế áp dụng nối tiếp đã gây khó khăn cho nhà đầu tư trong dài hạn. Ông Nguyễn Bá Sản đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra các chính sách hướng tới tạo môi trường đầu tư ổn định, lâu dài làm cơ sở có thể dự đoán/mô phỏng được vấn đề chi phí và phân tích đánh giá tính kinh tế cũng như xem xét dòng doanh thu của các dự án, đặc biệt là các dự án đã đầu tư, đã xây dựng nhưng mới đưa vào vận hành thương mại (COD) được 1 phần… Ông Sản đề xuất xem xét gia hạn giá FIT đối với các dự án điện gió dở dang cho đến khi có cơ chế chuyển đổi tiếp nối.
Rào cản thứ 3, theo ông Sản, là Việt Nam đang thiếu đi một Quy hoạch tổng thể đầy đủ để hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn điện gió ngoài khơi - loại hình năng lượng mà Việt Nam có tiềm năng rất lớn (tiềm năng kỹ thuật có thể đạt từ 160GW đến 475GW). “Chúng ta chưa có một quy hoạch tổng thể, như quy hoạch không gian biển – quy hoạch điện gió ngoài khơi, cũng như các hướng dẫn, chỉ dẫn cần thiết, rõ ràng cho các bước đi trong quá trình thực thi (từ xin giấy phép khảo sát, đo gió, khu vực/địa điểm nào sẽ ưu tiên phát triển dự án trong giai đoạn đến 2030 và sau 2030). Do thiếu quy định và hướng dẫn nên hiện nay một số địa phương đã thông qua khu vực khảo sát theo đề nghị của Nhà đầu tư là quá lớn so với quy mô công suất dự kiến. Điều này vừa gây lãng phí không gian biển, tài nguyên biển cũng như hạn chế các nhà đầu tư tiềm năng khác đến tìm kiếm ý định và nhu cầu đầu tư thực sự”, ông Nguyễn Bá Sản đánh giá.
Xem thêm: lmth.008205-man-teiv-o-oat-iat-gnoul-gnan-iov-nac-oar-3/peihgn-hnaod/hnaod-hnik/nv.ylgnoc