Cụ thể, cổ phiếu STB được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong phiên 9/2, với khối lượng hơn 11,3 triệu đơn vị, giá trị tỷ đồng 284 tỷ đồng.
Theo đó, hiện nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ hơn 564 triệu cổ phiếu STB, gần 30% vốn cổ phần ngân hàng, nâng tỷ lệ sở hữu tối đa cho phép. Tính từ đầu năm, thị giá cổ phiếu STB tăng 4% từ mức 23.500 đồng/cp lên 24.450 đồng/cp.
Như vậy, Sacombank đã chính thức chạm trần room ngoại 30%, gia nhập nhóm các cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại săn đón nhất như ACB, MSB, TPB...
Cổ phiếu STB hiện được đánh giá là cổ phiếu duy trì được đà thanh khoản tốt nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong khi khối lượng giao dịch toàn ngành duy trì ở mức thấp thì giao dịch cổ phiếu STB liên tục sôi động với các giao dịch có khối lượng đột biến.
Vào tháng 3/2022, Dragon Capital đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacombank lên trên 5% và chính thức trở thành cổ đông lớn của ngân hàng. Nhóm các quỹ của Dragon Capital cũng liên tục thực hiện các giao dịch mua vào - bán ra cổ phiếu này trong khoảng thời gian sau đó.
Gần đây nhất, ngày 3/1/2023, Dragon Capital đã bán ra 2,55 triệu cổ phiếu STB thông qua các quỹ thành viên đưa lượng sở hữu cổ phiếu Sacombank giảm xuống còn hơn 110 triệu đơn vị, tương đương 5,86% vốn điều lệ ngân hàng.
Trước đó, sau khi hoàn thành việc niêm yết bổ sung số lượng chứng khoán phát hành thêm của Sacombank từ việc sáp nhập SouthernBank, từ ngày 19/9/2016 tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB đã được giảm từ 30% xuống 23,63468% (trên số lượng 1.885.215.716 cổ phiếu).
Với những tiến triển tích cực trong việc xử lý tồn đọng sau sáp nhập, Sacombank được đánh giá là điểm sáng tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ.
Chỉ sau hơn 5 năm, Ngân hàng đã đạt được những bước tiến vững chắc, các mục tiêu trọng tâm của Đề án tái cơ cấu như xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng được thực hiện rất hiệu quả với tốc độ ấn tượng.
Dự kiến, trong năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất tái cơ cấu thay vì đến năm 2025 như Đề án cho phép. Do đó, uy tín thương hiệu của Sacombank ngày càng được nâng cao và cổ phiếu STB cũng ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Sacombank được kỳ vọng sẽ hoàn thành đề án tái cấu trúc vào cuối năm 2023. Cụ thể, Sacombank đã giảm thành công tài sản tồn đọng từ 87 nghìn tỷ đồng (tương đương 23,7% tổng tài sản) năm 2017 xuống 16,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,1% tổng tài sản) vào quý 2/2022, dựa trên ước tính của chúng tôi.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng kỳ vọng rằng ngân hàng này sẽ hoàn thành Đề án tái cơ cấu vào cuối năm 2023, do dự kiến ngân hàng sẽ bán thành công tài sản thế chấp trong năm (khoản nợ liên quan đến Khu Công nghiệp Phong Phú và 32,5% cổ phần của Sacombank được cầm cố làm tài sản thế chấp cho VAMC).
Theo ước tính của SSI Research, giá trị của các tài sản này dao động trong khoảng 26.000 - 27.000 tỷ đồng, đủ để xử lý khoản tài sản có vấn đề còn lại.
Tổng giá trị khoản nợ gộp mà ngân hàng đã bán cho VAMC và được VAMC ủy quyền bán là 16.196 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 5.100 tỷ đồng và lãi dự thu là 11.000 tỷ đồng.
Sau nhiều vòng đấu giá, giá khởi điểm của khoản nợ trên tính đến tháng 12/2022 giảm xuống còn gần 7.900 tỷ đồng, rất gần với số nợ gốc.
Tổng giám đốc Sacombank bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng cho rằng, khoảng giữa năm 2023 ngân hàng có thể sẽ tuyên bố tái cơ cấu thành công.
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của ngân hàng đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch năm qua.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản đạt gần 592.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13,1% đạt hơn 438.600 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 6,4% đạt 454.740 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ngân hàng giảm 24,9% còn 4.299 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,47% về 0,98%.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Sacombank có thể tăng 77,7% so với năm 2022.